Khát vọng Thanh Hóa: Phát triển du lịch Sầm Sơn xứng tầm

Khát vọng Thanh Hóa: Phát triển du lịch Sầm Sơn xứng tầm

(PLO)- Thành phố du lịch Sầm Sơn được xem là kho báu ngành công nghiệp không khói của tỉnh Thanh Hóa đã bừng tỉnh sau giấc ngủ trăm năm.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp phát hiện ra Sầm Sơn là một trong những nơi lý tưởng nghỉ dưỡng cho cả Đông Nam Á lúc bấy giờ. Đầu năm 1906, người Pháp đã bắt đầu đưa vào khai thác và biển Sầm Sơn đã trở thành ‘thiên đường’ nghỉ dưỡng nổi tiếng.

Thiên đường nghỉ dưỡng Đông Nam Á

Nhưng phải đến năm 2006, khi Thanh Hóa tổ chức thành công lễ kỷ niệm 100 năm du lịch Sầm Sơn thì cũng là thời điểm nhiều ‘đại bàng’ đến đầu tư hàng tỉ USD với những công trình đẳng cấp quốc tế là hàng loạt khu nghỉ dưỡng 5 sao.

Sầm Sơn có bãi biển dài khoảng 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi đá Trường Lệ tạo nên một vẻ đẹp cuốn hút, níu chân du khách khi đến Sầm Sơn nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức các lễ hội.

Hậu đại dịch COVID-19, Sầm Sơn đang trở thành một điểm đến lý tưởng. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn ông Bùi Quốc Đạt, đến tháng 11-2022, Sầm Sơn đã đón hơn 7 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2021, thu về ước đạt khoảng 14.134 tỉ đồng.

Thành phố biển Sầm Sơn được người Pháp ví như thiên đường nghỉ dưỡng của Đông Nam Á. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Thành phố biển Sầm Sơn được người Pháp ví như thiên đường nghỉ dưỡng của Đông Nam Á. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Với sức nóng thu hút khách du lịch đến Sầm Sơn thì năm 2023, thành phố Sầm Sơn dự kiến sẽ đón gần 7,3 triệu lượt khách và phục vụ ăn nghỉ khoảng hơn 17,6 triệu ngày khách, tương đương với doanh thu đạt khoảng 15.518 tỉ đồng, ông Đạt thông tin.

Những năm gần đây, khi du khách đến với Sầm Sơn nghỉ dưỡng, tắm biển đều bày tỏ sự bất ngờ về sự “lột xác” ngoạn mục của hạ tầng du lịch phát triển đồng bộ, toàn diện và liên tục được làm mới cùng với các hoạt động giải trí.

Từ đây có thể thấy Sầm Sơn chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được nhiều “đại bàng” về đầu tư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế khi đến với Sầm Sơn.

Du lịch Sầm Sơn không chỉ có một mùa

Trong nhiều lần khi nói về thành phố biển Sầm Sơn đang từng ngày trở thành điểm đến du lịch tuyệt vời ở phía Bắc và của cả nước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Văn Thi khẳng định: "Với dự án Quảng trường biển Sầm Sơn, tương lai sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến với Thanh Hóa".

Hậu đại dịch COVID-19, thành phố biển Sầm Sơn thu hút hơn 7 triệu lượt khách đến tắm biển và nghỉ dưỡng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Hậu đại dịch COVID-19, thành phố biển Sầm Sơn thu hút hơn 7 triệu lượt khách đến tắm biển và nghỉ dưỡng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo ông Thị, "siêu dự án" đã chính thức khởi công xây dựng quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với mức đầu tư 1 tỷ USD. Trong tương lai sẽ diễn ra các hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng... mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế suốt 4 mùa trong năm.

Sầm Sơn sẽ đáp ứng nhu cầu của hàng triệu lượt khách đổ về Sầm Sơn mỗi năm cùng các hoạt động hấp dẫn như tắm biển, shopping, các lễ hội, carnival rực rỡ sắc màu.

Cùng với Sầm Sơn là hàng loạt khu du lịch khác như Khu nghỉ dưỡng Nhật Bản tại Quảng Xương, Bến En (được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn) cũng là nơi thu hút khách du lịch.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 12-2022, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa ước đạt 245.000 lượt, tăng gấp 11,5 lần.

Tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 ước đạt khoảng 20.038 tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021. Trong số đó, riêng với Sầm Sơn là hơn 7 triệu lượt khách và tổng thu ước đạt 15.500 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Thanh Hóa nói chung và Sầm Sơn nói riêng tiếp tục phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch.

Các sản phẩm du lịch đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm du lịch mới, có lợi thế của tỉnh phù hợp với từng phân đoạn thị trường cùng với việc kích cầu du lịch tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước sẽ đón nhiều lượt khách đến với Thanh Hóa hơn.

Một góc Sầm Sơn sau khi 'đại bàng' về làm tổ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Một góc Sầm Sơn sau khi 'đại bàng' về làm tổ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Thanh Hóa cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch quy mô lớn trên địa bàn tỉnh sớm đưa vào hoạt động.

"Đến nay Thanh Hóa tỉnh thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn tại Thanh Hóa, qua đó tạo bước đột phá về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh", UBND tỉnh Thanh Hóa cung cấp.

Đánh thức Sầm Sơn

Thanh Hóa đang rất quyết tâm thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về phát triển toàn diện tỉnh Thanh Hóa và nghị quyết 37 của Quốc hội về thực hiện cơ chế chính sách đặc thù tỉnh Thanh Hóa, trong đó có lĩnh vực du lịch được xem là một trụ cột kinh tế mũi nhọn để đưa Thanh Hóa phát triển nhanh bền vững.

Nói về Sầm Sơn, ông Đỗ Minh Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Sầm Sơn được biết đến là nơi “Sơn kỳ, thủy tú”, với bãi biển đẹp, núi non trùng điệp, khí hậu trong lành, cùng nhiều di tích, danh thắng kỳ thú, đã tạo nên những giá trị văn hóa, du lịch độc đáo, nổi trội, mang bản sắc riêng biệt.

Sầm Sơn có bờ biển dài khoảng 6km, cách thành phố Thanh Hóa 16km về phía Đông và cách Hà Nội khoảng 170km tương đương với 3 giờ đi xe ô tô. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Sầm Sơn có bờ biển dài khoảng 6km, cách thành phố Thanh Hóa 16km về phía Đông và cách Hà Nội khoảng 170km tương đương với 3 giờ đi xe ô tô. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Trải qua quá trình lịch sử 115 năm, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, các thế hệ người dân Sầm Sơn đã bám trụ nơi “đầu sóng ngọn gió”, đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa và cả nước lập nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, vào tháng 7 -1960, Sầm Sơn vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và ân cần căn dặn “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải”. Lời chỉ dạy của Người chính là động lực để xây dựng Sầm Sơn phát triển như hôm nay”- ông Đỗ Minh Tuấn nói.

Thanh Hóa có Di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn.

Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.

Ông Đỗ Minh Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn, ngay từ năm 1989 Thanh Hoá đã đề ra chủ trương phát triển du lịch theo tiêu chí “Sầm Sơn - sức khoẻ - kinh tế - bạn bè”, tạo bước ngoặt lớn, đánh thức tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Sầm Sơn.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của Sầm Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng; văn hóa du lịch chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại buổi lễ phát động kích cầu du lịch Thanh Hóa tháng 3-2022. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại buổi lễ phát động kích cầu du lịch Thanh Hóa tháng 3-2022. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Những nhà đầu tư cũng đã làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị du lịch ngày nay. Từng bước đưa Thanh Hóa thoát khỏi khái niệm "mùa tắm biển Sầm Sơn", mở ra một thời kỳ mới cho du lịch Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung, cần có những bước ngoặt lớn được dẫn dắt bởi những dự án tầm cỡ.

Từ đó đã phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, cải thiện mạnh mẽ hình ảnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài.

Điều này góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và hướng đến mục tiêu Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu năm 2045.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh tại buổi lễ kích cầu du lịch tỉnh Thanh Hóa năm 2022: Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa lý độc đáo với hệ thống sông ngòi dày đặc, hệ thống di sản văn hóa đặc sắc.

Xứ Thanh cũng nổi tiếng là điểm đến với nhiều tài nguyên du lịch đa dạng, du lịch sinh thái, du lịch biển. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp, hệ thống nhà hàng, hạ tầng phục vụ khách du lịch được đầu tư cao.

Với đó là hệ thống giao thông thuận, Thanh Hóa giữ vai trò quan trọng trong kết nối du lịch liên vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, ông Việt khẳng định.

Đọc thêm