Trong những năm gần đây Hà Trung được biết đến là vùng đất biến những bất lợi, khó khăn thành lợi thế để định hình không gian phát triển kinh tế. Địa phương này cũng đang đứng trước cơ hội lớn trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm phía Bắc tỉnh Thanh Hóa.
Báo Pháp Luật TP.HCM có trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung xung quanh vấn đề nêu trên.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Từ huyện nghèo đến thu ngân sách 2.200 tỉ đồng
. Phóng viên: Trước những lợi thế hiện có, huyện Hà Trung đã và đang làm gì để phát huy, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Xuân Dũng: Từ xa xưa, ông bà ta có câu “Nhất Xương Nhì Gia, Tam Hà Tứ Cống” để nói về Hà Trung cùng với các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống là vùng đất rất khó khăn trong sản xuất và đời sống của tỉnh Thanh Hóa.
Với địa hình chiêm trũng, bán sơn địa “mới nắng đã khô, mới mưa đã ngập”, do đó làm sao để Hà Trung phát triển là trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân nơi đây. Họ đã dành rất nhiều công sức và tâm trí để nghiên cứu, tìm tòi biến những bất lợi chuyển dần thành những lợi thế giúp địa phương ngày càng phát triển.
Đến hôm nay Hà Trung đã và đang “thay da, đổi thịt”, từng bước thay đổi, nguồn lực của địa phương cũng dần dần lớn mạnh.
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, huyện Hà Trung đã thông qua xây dựng quy hoạch phát triển vùng huyện, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chung xây dựng xã để định hình lại không gian phát triển cho mình (huyện đã xây dựng quy hoạch chi tiết năm đô thị ở 9/20 xã, thị trấn).
Huyện đang tập trung thực hiện theo các quy hoạch đã được phê duyệt để tạo ra thế và lực cho sự phát triển mới của huyện. Mục tiêu là xây dựng huyện đạt tiêu chí huyện Nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 trong năm 2023 và cơ bản đạt tiêu chí đô thị IV vào năm 2030.
Trong năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 nhưng Hà Trung tiếp tục có bước đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ giá trị sản xuất tăng 16,01% ước đạt 16.695 tỉ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 2.200 tỉ đồng...
Đáng chú ý, ngành nông lâm thủy sản có giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1.235,8 tỉ đồng; công nghiệp xây dựng 9.081 tỉ đồng; thương mại dịch vụ 6.378 tỉ đồng và xuất khẩu hàng hóa ước đạt 200 triệu USD; thành lập mới 59 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước 3.021 tỉ đồng.
Hà Trung hiện có bốn doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất thu hút gần 10.000 lao động địa phương và các huyện thị lân cận. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Nhiều dự án, công trình lớn đã được khởi công xây dựng, tiêu biểu như dự án Đường giao thông kết nối trung tâm huyện Hà Trung đi thị xã Bỉm Sơn, các dự án xây dựng nhà máy cáp điện ô tô của tập đoàn THN (cụm CN Hà Dương), nhà máy may Thiên Nam (cụm CN Hà Phong)...
Định hình không gian phát triển để thu hút đầu tư nước ngoài
. Là huyện có kết nối với khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hậu Lộc, Nga Sơn, thị Bỉm Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, theo ông đâu trụ cột kinh tế quan trọng để đưa Hà Trung phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư?
+ Trong năm năm tới trụ cột kinh tế của Hà Trung được xác định là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mở rộng liên kết các vùng, khu vực. Qua đó, phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị tại địa bàn các xã, thị trấn đã được quy hoạch để tạo ra không gian và động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Hiện nay đã có sáu cụm công nghiệp cơ bản được lấp đầy với gần 200 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất, kinh doanh, cơ bản giải quyết việc làm trên 22.000 lao động. Đồng thời huyện cũng đang thành lập mới các cụm công nghiệp đã được quy hoạch (sáu cụm) tại khu vực có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư.
Để phát huy lợi thế thuận lợi về giao thông trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 217, 217B, các tuyến tỉnh lộ và các nút giao lên xuống của đường cao tốc Bắc- Nam, huyện đã xây dựng và đang thực hiện năm quy hoạch đô thị nhằm tạo ra không gian phát triển.
Ngoài thị trấn Hà Trung và khu vực mở rộng (xã Yến Sơn) là trung tâm của huyện, Hà Trung đã quy hoạch xây dựng đô thị Cừ (gồm hai xã Yên Dương, Hà Bình) với động lực phát triển là hai cụm công nghiệp là Hà Bình và Yên Dương. Qua đó thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo ra không gian phát triển, khai thác triệt để lợi thế ngay cạnh quốc lộ 1A.
Đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua có hai vị trí nút giao lên xuống, đây là lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội nên Hà Trung cũng đã quy hoạch xã Hà Long, xã Hà Lĩnh trở thành đô thị.
Một góc làng Nội Thượng (Hà Bình) từ vùng đất nghèo khó đã "thay da, đổi thịt". Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Ngoài ra ở phía Đông, trên tỉnh lộ 508 tiếp giáp với huyện Nga Sơn, huyện cũng đã quy hoạch đô thị Gũ (gồm các xã Lĩnh Toại, Hà Hải, Hà Châu) để tạo ra mạng lưới đô thị kết nối giữa trục trung tâm là thị trấn Hà Trung, Đô thị Cừ; trục kết nối Bắc - Nam là Hà Long và Hà Lĩnh; trục kết nối Đông- Tây là đô thị Gũ, thị trấn Hà Trung và đô thị Hà Lĩnh.
.Ngoài chính sách chung của tỉnh về thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài, Hà Trung đã đang làm gì để tạo ra một cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư?
+ Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có bốn doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, với mức thu nhập 4,6 -10 triệu đồng/người/tháng.
Huyện Hà Trung sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu từ các doanh nghiệp có công nghệ sạch, đòi hỏi trình độ tay nghề cao và công nghệ hiện đại. Đồng thời tiếp tục quan tâm tập trung thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực may mặc, da giày, kết cấu thép, cáp điện ô tô, chế biến nông sản…
Về chính sách thu hút đầu tư, Hà Trung ưu tiên dành quỹ đất để đưa vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch dụng đất hàng năm cho phát triển công nghiệp, sản xuất kinh doanh tại các khu vực đã quy hoạch. Việc này nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ở các cụm công nghiệp và KCN.
Huyện cũng hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư khi tìm hiểu đầu tư vào Hà Trung là các thủ tục về thuê đất và giá thuê đất.
Nông nghiệp, du lịch là hai trong 3 trụ cột phát triển kinh tế
. Hà Trung từng được biết đến là huyện có nền nông nghiệp lạc hậu, du lịch cũng chưa phát huy hết được thế mạnh. Vậy huyện đã có tính toán như thế nào đối với hai trụ cột phát triển kinh tế của huyện là nông nghiệp và du lịch?
+ Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng giữ vững sự ổn định cũng như phát triển bền vững. Hiện nay huyện Hà Trung đang tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch và hướng tới nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh liên kết xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Huyện đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến lúa gạo, tạo tiền đề để tiếp duy trì phát triển hiệu quả các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương là cây lúa. Trong đó có các giống lúa Nếp đặc sản mang thương hiệu Nếp cái hoa vàng Qúy Hương (Hà Long), nếp Hạt cau Tiên Sơn (Hà Lĩnh)...
Nhiều tuyến đường giao thông kết nối để tạo ra sự liên kết vùng và tạo không gian phát triển Hà Trung trong thời gian tới. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Đặc biệt, trong năm 2022, huyện đã tổ chức xây dựng được sáu mô hình thâm canh lúa đạt tiêu chí VietGAP, với diện tích 130 ha, bằng các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, ST 24, ST 25. Trong đó mô hình lúa cá luân phiên tại xã Hà Lĩnh với diện tích 35 ha cho hiệu quả kinh tế cao.
Huyện tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) với các mô hình lúa - cá luân phiên, lúa -ốc nhồi, lúa - tôm càng xanh...; tăng cường xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, các hợp tác xã với doanh nghiệp để mở rộng quy mô thương hiệu và thị trường tiêu thụ cho nông sản của địa phương.
Về phát triển du lịch, Hà Trung là địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch, tâm linh, lễ hội. Đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó sẽ ưu tiên huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ đó kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh…
Đến nay, huyện cũng xây dựng được một số di tích trở thành điểm du lịch thu hút hàng chục ngàn du khách thăm quan lễ hội mỗi năm, như: Cụm di tích danh thắng đền Hàn Sơn - Cô Bơ (Hà Sơn), Đền Rồng – Đền Nước (Hà Long), Đền thờ Trần Hưng Đạo (đền Thổ khối - Yên Dương)...
Mục tiêu là đến năm 2025 huyện sẽ đón được 70.000 lượt khách và đến năm 2030 là 520.000 lượt khách.
Lối kiến trúc Chăm Pa ngôi đình làng cổ Thượng Phú 600 năm ở Hà Đông, Hà Trung (Thanh Hóa) là một điểm đến thu hút khách du lịch. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Hà Trung những năm gần đây đã cụ thể thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Huy động cả hệ thống chính trị từ hành động, quyết sách, chính sách thu hút đầu tư, đào tạo cũng như lựa chọn cán bộ đủ sức gánh vác để đưa Hà Trung phát triển nhanh, bền vững, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045.
Xin cảm ơn ông!