Trao đổi với PLO sáng nay (17-4), ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cho biết, ngay khi có thông tin trên báo chí về việc nhiều cửa hàng vàng đóng cửa để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng, hiệp hội đã đi khảo sát.
"Chúng tôi cũng nhìn nhận có một vài cửa hàng có đóng cửa nhưng cũng chỉ là số ít, đa số vẫn hoạt động kinh doanh bình thường.
Chúng tôi có hỏi những cửa hàng đóng cửa thì nhận được câu trả lời là họ lo lắng không biết sản phẩm đang bán có bị quy vào hàng giả hàng nhái như thông tin đưa trên truyền thông hay không.
Ngoài ra, một số cửa hàng được nêu đích danh lên mặt báo như Kim Khánh Giang trên đường Trần Quý, quận 11 đóng cửa thì không đúng. Vì cửa hàng đó đã được trả mặt bằng và chuyển sang đường Phó Cơ Điều.
Hay doanh nghiệp vàng Cát Tường đóng cửa nhưng thật ra họ bán đối diện bên kia đường. Hoặc cửa hàng Mỹ Hồng ở đường Phó Cơ Điều thuê mặt bằng của Nhà nước, và đã hết thời hạn thuê nên chuyển sang mặt bằng kinh doanh mới" - ông Dưng nói.
Theo ông Dưng, những cửa hàng vàng nào làm sai thì chắc chắn bị chế tài theo quy định. Tuy nhiên, các cửa hàng vàng hoạt động kinh doanh có điều kiện nên họ sẽ phải tuân thủ quy định pháp luật chặt chẽ.
Chẳng hạn như hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, thì đã được các tiệm vàng thực hiện từ lâu kể từ khi có Thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực vào năm 2022.
"Cũng có thông tin tiệm vàng đóng cửa vì sợ không chứng minh được nguồn gốc vàng. Hơn 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng nên những cửa hàng vàng được cấp phép sản xuất phải mua vàng bên ngoài để có nguyên liệu sản xuất trang sức.
Thực tế, theo quy định pháp luật, tiệm vàng được mua vàng trôi nổi của các cá nhân không kinh doanh, hoặc mua vàng từ các trang sức cũ, sau đó đem phân kim làm nguyên liệu. Tất cả sẽ được ghi nhận vào Bảng kê 01 theo quy định của Tổng cục thuế" - ông Dưng cho biết.