Sáng 14-12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự lễ khởi công cảng Liên Chiểu. Ảnh: TẤN VIỆT |
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: “Phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của TP”.
Theo ông Chinh, việc triển khai dự án không chỉ là mong muốn của lãnh đạo TP mà cả toàn thể nhân dân Đà Nẵng.
Ông Chinh đề nghị Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư) phát huy tinh thần trách nhiệm, tổ chức quản lý, điều hành dự án đảm bảo chặt chẽ theo quy định pháp luật.
Các nhà thầu cũng phải thực hiện nghiêm túc những nội dung đã cam kết, tăng cường ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật hiện đại, cải tiến phương thức thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tham dự buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế. Nơi đây không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí yết hầu về quốc phòng - an ninh của đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cảng Liên Chiểu phải là công trình gương mẫu, không thất thoát. Ảnh: TẤN VIỆT |
Theo Chủ tịch nước, khu vực cảng Liên Chiểu khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp. Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi.
“Cũng cần phải nhận thức đúng đắn rằng, việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền Đà Nẵng và các bên liên quan rằng đây phải là công trình gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, đúng tiến độ đưa vào sử dụng năm 2025.
Tổng thể dự án cần đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics. Nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.
“Hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả cảng cao và ngược lại. Do đó phải thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với cảng. Đồng thời, cảng Đà Nẵng có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có nên đặt tên là cảng Đà Nẵng hay không, việc này TP xem xét nghiên cứu”, Chủ tịch nước lưu ý.
Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỉ đồng.
Công trình bao gồm các hạng mục chính là kè chắn sóng và đê chắn sóng, luồng tàu và khu nước, đường giao thông kết nối đến cổng cảng có quy mô sáu làn xe. Cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật cấp điện, nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng.
Cảng Liên Chiểu sẽ có khu bến container 114 ha, khu bến tổng hợp 58 ha tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000 Teus) lên đến 200.000 DWT (sức chở 18.000 Teus).
Ngoài ra còn có khu bến thủy nội địa 38 ha tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển, giảm ách tắc hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ.