Chủ tịch nước: ‘Chạy án rất ghê gớm!’

“Từ ngày tiến hành cải cách tư pháp, chất lượng xét xử có khá hơn xưa. Tư tưởng bây giờ là công khai, dân chủ, minh bạch, cho tranh luận trước tòa và sắp tới sẽ có định chế luật sư công để giúp bảo vệ cho những người nghèo không có tiền”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao đổi như thế trước các thắc mắc của cư tri về công tác chống oan sai, bỏ lọt tội phạm trong điều tra, truy tố và xét xử tại các cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 và 3 (TP.HCM) ngày 3-12.

Ai sai cũng bị xử lý

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Anh ra phán quyết anh phải chịu trách nhiệm, không được oan sai, không bỏ sót tội phạm chứ không thể nói do anh Hai, anh Ba, anh Tư chỉ đạo”.

Bên cạnh chống oan sai, Chủ tịch nước cũng nói đến việc phòng, chống bỏ lọt tội phạm, nhất là hiện tượng chạy án. “Có những vụ việc chúng tôi đang theo dõi. Đây cũng là một loại chạy ghê gớm chứ không chỉ có chạy chức, chạy bằng cấp, chạy huân chương gì đâu. Văn kiện của Đảng cũng nói hết rồi, chạy án cũng rất ghê gớm. Tôi cho rằng bỏ sót tội phạm còn rất nhiều” - Chủ tịch nước nói.

Trả lời khúc mắc của cử tri trước thông tin với án dân sự “90% án xử thế nào cũng được”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng con số đó là “hơi quá đáng, không phải đâu. Nếu đúng thế thì kỳ họp Quốc hội vừa rồi không yên. Nhưng chắc chắn một số vụ việc cụ thể thì có vấn đề”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang trao đổi với cử tri quận 1 sáng 3-12. Ảnh: TÁ LÂM

“Cơ quan tố tụng sai thì phải xử lý thôi, ông công an sai cũng sẽ bị khởi tố, ông thẩm phán sai cũng sẽ phải ra trước vành móng ngựa như những người khác. Rất là sòng phẳng, đó là cải cách mang lại nền dân chủ nhưng phải nghiêm về phán quyết của tòa án” - Chủ tịch nước khẳng định.

Nhà công vụ: Quản lý lỏng lẻo

Chuyện hàng loạt cán bộ cao cấp về hưu chưa trả lại nhà công vụ cũng làm nhiều cử tri bức xúc. Cử tri Nguyễn Văn Phú (phường Đa Kao, quận 1) bày tỏ thái độ không hài lòng về việc quan chức chiếm dụng nhà công vụ khi về hưu không chịu trả. Ông Phú đề nghị cơ quan chức năng công khai danh sách những quan chức đang ở và chưa trả nhà công vụ cho nhân dân biết để giám sát.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết chủ trương nhà công vụ là đúng đắn và cần thiết. Nhưng khi hết nhiệm vụ thì anh phải trả, đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên, “điều diễn ra không đúng như vậy. Trong một số trường hợp có thể có sai sót từ người sử dụng nhà đó” - Chủ tịch nước nói.

Ông Trương Tấn Sang cho biết đáng trách hơn là các cơ quan quản lý về nhà công vụ, khi biết người đó quyết định nghỉ hưu, quyết định không làm việc ở địa phương đó nữa mà vẫn không có quyết định thu hồi nhà công vụ. “Đó là điều đáng trách, quản lý quá lỏng lẻo. Mình trách cán bộ nghỉ hưu đó không tự giác trả… nhưng người đáng trách hơn là các cơ quan công quyền, tại sao không đòi nhà” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cho hay sẽ chỉ đạo rà soát lại, cơ quan nào không thu hồi nhà công vụ đúng quy định sẽ quy trách nhiệm cơ quan đó. Trường hợp cơ quan này thu hồi mà người sử dụng nhà không trả thì quy trách nhiệm người không trả nhà công vụ.

Kiến nghị mở chiến dịch “săn” tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát và nhắc nhở đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành tăng cường giám sát tài sản của cán bộ cấp cao để không còn “những ông Truyền” nữa. Nữ cử tri này cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước tham khảo chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc và mở ngay chiến dịch “săn” tham nhũng ở Việt Nam. Cử tri Lợi cho rằng khi mở chiến dịch “săn” tham nhũng là “cơ hội để lấy lại niềm tin trong nhân dân”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới