Chủ tịch nước gửi báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cho Quốc hội

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước.

Báo cáo nêu rõ nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước từ ngày 23-9-2018 đến ngày 23-10-2018. 

Ngày 23-10-2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Thực hiện nghiêm quy trình giới thiệu nhân sự

Trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã thực hiện nghiêm quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ và bầu giữ chức vụ Thủ tướng, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Đồng thời đề nghị Quốc hội miễn nhiệm và phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhập chức Chủ tịch nước chiều 23-10-2018. Ảnh: quochoi.

Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm 5 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Chủ tịch nước cũng phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm một số Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ khi có thay đổi về nhân sự như Bộ trưởng GTVT, Bộ trưởng TT&TT, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng KH&CN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

 Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước cũng đã ký Quyết định miễn nhiệm 24 thành viên Chính phủ, đình chỉ công tác đối với một thành viên Chính phủ.

Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 2 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua.

Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham gia các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của Đoàn đại biểu nơi ứng cử, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch nước đã tham dự các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc chuyên đề với cử tri Hà Nội  và cử tri TP.HCM…; kịp thời giải đáp nhiều ý kiến rất sâu sắc và xác đáng. 

Chủ tịch nước đã lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan. 

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã bốn lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương…

Thăng quân hàm cấp tướng cho 574 sĩ quan

Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ tuyên thệ nhập chức Chủ tịch nước. Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời chỉ đạo nâng cao chất lượng xét xử, đổi mới công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp vừa có đức, có tài, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. 

“Công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh tư pháp thời gian qua được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật; chất lượng đội ngũ cán bộ giữ các chức danh tư pháp ngày một nâng cao”- báo cáo nêu rõ.

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó có 319 trường hợp từ Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc (1 trường hợp truy thăng); 71 từ Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc lên Trung tướng, Phó Đô đốc; 9 từ Trung tướng, Phó Đô đốc lên Thượng tướng, Đô đốc; 1 từ Thượng tướng lên Đại tướng.

Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với 174 sĩ quan Công an nhân dân, Cụ thể, có 147 trường hợp từ Đại tá lên Thiếu tướng; 26 từ Thiếu tướng lên Trung tướng; 1 trường hợp từ Thượng tướng lên Đại tướng.

Đồng thời, Chủ tịch nước cũng ký tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 4 sĩ quan cấp tướng, giáng cấp bậc hàm đối với 2 sĩ quan cấp tướng.

Chủ tịch nước cũng quyết định cử 45 sĩ quan Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi; cử hai lượt bệnh viện Dã chiến cấp 2 (126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Xu-đăng.

Chủ tịch nước đã phong hàm Đại sứ cho 55 cán bộ Bộ Ngoại giao, bổ nhiệm 112 Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại các nước trên thế giới…

Báo cáo của Chủ tịch nước cũng chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế.

Cụ thể, việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Ngoài ra, Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA. 

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động trong chương trình đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã phải tạm hoãn hoặc chuyển sang thời điểm khác phù hợp.

94 bị án được ân giảm từ tử hình xuống tù chung thân 

Theo báo cáo của Chủ tịch nước, việc đặc xá, tha tù trước thời hạn trong nhiệm kỳ được xem xét thận trọng, khách quan, dân chủ, đúng quy định. Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho gần 4.400 phạm nhân.

Báo cáo cũng khẳng định việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng, bởi công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật.

Chủ tịch nước đã quyết định bác đơn xin ân giảm của 295 bị án; quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 94 bị án, gửi trả 23 hồ sơ về TAND Tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền vì người phạm tội không viết đơn xin ân giảm án tử hình mà chỉ viết đơn kêu oan, đơn xin thi hành án. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm