Sáng 25-12, Thành uỷ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 là TP đã triển khai các chương trình vận dụng các tư tưởng từ đề cương văn hoá, Nghị quyết 33 càng lúc càng trọng tâm và rõ nét.
"Trong những năm qua, các hoạt động về văn hoá diễn ra thường xuyên, thường niên và có hướng đến xây dựng đặc điểm, thương hiệu của thành phố. Mỗi tháng TP đều có những sự kiện, thông qua các sự kiện chúng ta giới thiệu thành phố cũng như văn hoá của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế" - ông Phan Văn Mãi cho hay.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, đối với phát triển công nghiệp văn hoá, TP đã ban hành nhiều đề án, có kế hoạch, tổ chức hội nghị và có đầu tư làm được các sự kiện để phát triển công nghiệp văn hoá. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển văn hóa thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33, soi chiếu vào thực tiễn của TP.HCM để có các giải pháp hiệu quả.
Chủ tịch TP.HCM đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị cập nhật, bổ sung vào chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy để tiếp tục triển khai Nghị quyết 33.
UBND TP sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch để triển khai, tiến hành xây dựng văn hóa ở từng cơ quan, đơn vị, ở từng cấp, trong mỗi gia đình và mỗi người dân TP.
Ông Mãi yêu cầu xây dựng và phát triển con người TP toàn diện nhưng có bản sắc riêng cũng như năng động sáng tạo, hào sảng, nghĩa tình, tiên phong, cởi mở, hội nhập, hiện đại… để tiếp nhận, học hỏi các tinh hoa.
Trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên số, ông Mãi cho rằng cần đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa trên không gian mạng. Bên cạnh đó TP.HCM cần phát huy, xây dựng môi trường văn hóa trong học đường, cộng đồng dân tộc, tôn giáo… Tiếp tục xây dựng phát triển không gian văn hoá Hồ Chí Minh, khai thác vai trò của văn nghệ sĩ.
Đến năm 2030, TP.HCM phải là trung tâm của công nghiệp văn hoá trong khu vực ASEAN và phải có sự đầu tư trọng tâm.
"Chúng ta đang hướng đến xây dựng thành phố sự kiện, mỗi tháng có một chủ đề và trong đó lấy văn hoá làm nền gắn với các hoạt động kinh tế” – ông Mãi cho biết.
Người dân phải là người sáng tạo văn hóa, là chủ thể sáng tạo văn hóa và thụ hưởng kết quả.
"Sang giai đoạn 2026-2030 chúng tôi dự kiến đầu tư 30.000 tỉ cho lĩnh vực văn hoá (chiếm 2,8% đầu tư công). Nhưng quan trọng nhất là phải có chính sách để thu hút đầu tư xã hội cho lĩnh vực này" - ông Phan Văn Mãi cho hay.