Chủ tịch Quốc hội: Không để xảy ra lợi ích nhóm trong xây dựng quy phạm pháp luật

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét công tác xây dựng pháp luật đã có sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương.

Song song đó, công tác này cũng còn không ít tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm.

Nợ đọng, chậm ban hành văn bản chưa khắc phục

Chủ tịch Quốc Hội chỉ rõ, một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay mà các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Ngoài ra, trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 và 1-7-2024, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch triển khai.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2024, theo kế hoạch phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay cũng chưa có văn bản nào được ban hành. Các bộ báo cáo đến 15-9 sẽ có nhưng tôi e là quỹ thời gian rất hạn hẹp”- ông Huệ đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đến nay chưa được khắc phục.

Tính đến ngày 23-8, vẫn còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 chưa được ban hành (chiếm 22%).

Trong đó, một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Trong số 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành thì cũng chỉ có 9 văn bản (23%) được ban hành đúng thời hạn.

“Cá biệt có một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định”- ông Huệ nhận xét.

Vẫn còn tình trạng giao cho cấp phó quản lý

Lý giải về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Trong đó có nguyên nhân do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng. Một số nơi vẫn còn tình trạng giao cho cấp phó quản lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông dẫn chứng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, nhưng mới chỉ có 8/28 bộ, cơ quan thực hiện đúng yêu cầu này, 20/28 cơ quan vẫn do thứ trưởng phụ trách.

"Chúng ta vẫn chỉ là giao phó thôi. Tức là nhiệm vụ giao cho cấp phó. Nói vui vậy thôi nhưng chỗ nào giao cấp trưởng phụ trách khác hẳn. Chứ nhiều luật Quốc hội thảo luận tới lui nhưng toàn chuyên viên viết cả"- Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Cần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Ngoài ra, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Huệ nhấn mạnh, chậm nhất trong tháng 9-2023 phải hoàn thành xây dựng, ban hành hai nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. Từ đó khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các địa phương khi phát hiện sớm những bất cập trong quá trình thực thi thì kiến nghị ngay để sửa đổi cho phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông những nút thắt thể chế.

“Nghị quyết 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết nhưng khi phát hiện vướng mắc phải báo cáo ngay chứ không để khi tổng kết mới nói vướng mắc”- ông Vương Đình Huệ nhắc nhở.

Bên cạnh đó, chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm