Chủ tịch Quốc hội: Không được điều chỉnh, rút nội dung vì không chuẩn bị kịp

(PLO)- Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đối với việc chuẩn bị chương trình, nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc về hai nội dung và bế mạc phiên họp thứ 37.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho hay với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, đổi mới, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình phiên họp thứ 37 - phiên họp có khối lượng công việc lớn nhất từ đầu năm đến nay với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận 25 nội dung, trọng tâm là các chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Thời gian từ nay đến kỳ họp thứ tám không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung cao độ, khẩn trương phối hợp hoàn chỉnh các dự án, dự thảo Luật, Nghị quyết bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 38 và Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.

“Tuyệt đối không điều chỉnh hoặc rút nội dung ra khỏi chương trình vì lý do chuẩn bị chưa kịp”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

chu-tich-quoc-hoi-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc. Ảnh: MD

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và biểu quyết phương án của Chính phủ sắp xếp cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 13 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hoà, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng cho hay: Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp 5 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 186 ĐVHC cấp xã để hình thành 5 ĐVHC cấp huyện và 99 ĐVHC cấp xã mới của 13 tỉnh, thành phố.

“Sau sắp xếp, 13 tỉnh, thành phố không thay đổi số lượng ĐVHC cấp huyện; giảm 87 ĐVHC cấp xã”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay: sau sắp xếp huyện, xã, thì việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 13 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành, không có vướng mắc.

Tổng số cán bộ, công chức,viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 1.935 người. UBND 13 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nêu trên theo đúng quy định.

Các trường học được giữ nguyên, các trạm y tế cấp xã sẽ được thành lập mới và sử dụng các trạm y tế cũng để làm cơ sở y tế cộng đồng hoặc sắp xếp lại.

Tổng số trụ sở dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 148 trụ sở. UBND 13 tỉnh, thành phố đã có phương án giải quyết số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư.

Đánh giá việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 còn chậm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các địa phương kiểm điểm nghiêm túc về việc chậm trình đề án; đồng thời quyết tâm thực hiện đề án giai đoạn 2023 – 2025 với chất lượng tốt nhất, bảo đảm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, mở rộng không gian phát triển cho địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các địa phương về công tác giải quyết trụ sở, bộ máy, biên chế dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính; làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân về sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Sau khi đại diện tỉnh Bắc Giang và Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 13 dự thảo Nghị quyết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 13 tỉnh, thành phố.

Thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Bắc Giang) là ngày 1-11-2024; riêng Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 (do có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thay đổi, điều chỉnh) để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm