Sáng nay (19-9), Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" chính thức được khai mạc. Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) và kết nối trực tuyến tới 6 điểm cầu ở 3 khu vực Bắc - Trung – Nam.
Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là nơi quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học... đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia.
Thành công của Diễn đàn Kinh tế năm 2021 và 2022 đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành và công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Từ quý IV năm 2022, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam… có xu hướng chậm do các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn bị thu hẹp, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Trong khi đó, tình hình xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; lạm phát cao kỷ lục tại một số nền kinh tế lớn, chính sách tiền tệ thắt chặt… tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro.
Các chính sách đề xuất tại Diễn đàn năm 2022 đang tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, ứng phó kịp thời với tình hình mới.
Trong đó có Nghị quyết số 101/2023/QH15 về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng; hay cho phép áp dụng thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Người đứng đầu Quốc hội khẳng định, chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Quốc hội và Chính phủ, nên Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đang chịu áp lực rất lớn
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nền kinh tế vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.
Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Chỉ ra một số hạn chế trong xuất khẩu hàng hóa, thu hút FDI, đầu tư công, khu vực công nghiệp và xây dựng, tiêu dùng, dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong tình hình khó khăn, nhiều diễn biến mới xuất hiện gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn.
“Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, từ thực tế vươn lên trong đại dịch, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài.
Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn.
Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023- 2024 và giai đoạn tiếp theo?
Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và giai đoạn 5 năm 2021-2025?
Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?
Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để kịp thời phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.