Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời xin lỗi nông dân vì chậm trả tiền mua lúa

(PLO)- Tổng số tiền mua lúa Tập đoàn Lộc Trời đã trả cho nông dân lên tới trên 2.000 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết đã hoàn tất việc thanh toán tiền mua lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, cho bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Lý do chậm trả tiền mua lúa cho nông dân

Theo tập đoàn Lộc Trời, từ đầu vụ Đông Xuân 2023-2024, doanh nghiệp đã triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư và dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi suất) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực ĐBSCL. Ước tính sản lượng mùa vụ, tập đoàn đã lên kế hoạch để bao tiêu toàn bộ số lượng lúa này và làm việc với các ngân hàng để cấp vốn thu mua,trả tiền đúng hạn cho bà con nông dân.

Đến giữa tháng 4-2024, Lộc Trời đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỉ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn đóng tại các địa phương. Chỉ riêng tại An Giang, “quê hương” của Lộc Trời, sản lượng thu mua trên 120.000 tấn, trị giá gần 1.000 tỉ đồng. Tổng số tiền đã trả cho bà con nông dân hơn 2.000 tỉ đồng.

"Do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng, dù rất cố gắng, chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa, nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến bà con nông dân"- Lộc Trời lý giải.

nong-dan-tien-lua-Loc-Troi2.jpeg
Tập đoàn Lộc Trời cho biết sự mất cân bằng trong cán cân tài chính, gây nên sự cố về dòng tiền trong thời điểm vừa qua, khiến chậm trả tiền mua lúa cho nông dân. Ảnh: MINH LONG

Ngày 20-5-2024, Lộc Trời đã phối hợp với ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.

Với định hướng hoạt động theo “chuỗi giá trị nông sản bền vững”, doanh thu hàng năm của tập đoàn đã tăng trưởng liên tục và năm 2023, đạt trên 16.000 tỉ đồng, tăng trưởng vượt bậc đến 38% so với năm trước.

Cấu trúc doanh thu đã có sự chuyển đổi rõ nét, theo đó, doanh thu nông sản dần chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, năm 2023 mảng nông sản ghi nhận tăng trưởng doanh thu cao gấp hơn 1,7 lần so với cùng kỳ, đạt trên 11.000 tỉ đồng, vươn lên trở thành trụ cột doanh thu với tỉ trọng 70%.

nong-dan-tien-lua-Loc-Troi3.jpeg
Cánh đồng lúa nguyên liệu của tập đoàn Lộc Trời ở ĐBSCL. Ảnh: LONG KHANG

Tuy nhiên, việc tăng trưởng nhanh trong khi doanh thu đi kèm với yếu tố bất lợi của ngành hàng lúa gạo như biên độ lợi nhuận rất thấp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất khả kháng như bất thường về thời tiết, sâu bệnh hoặc các sự cố bất ổn liên quan đến an ninh lương thực thế giới...

Đây cũng là nguyên nhân khiến gia tăng các khoản phải thu, nợ ngắn hạn và đã tạo ra sự mất cân bằng trong cán cân tài chính, gây nên sự cố về dòng tiền trong thời điểm vừa qua.

Chủ tịch Lộc Trời xin lỗi nông dân

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn thay mặt trên 3.000 người Lộc Trời đang đứng trong đội ngũ, gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến bà con nông dân vì sự cố lần này và chia sẻ sự cảm động trước lòng tin yêu, thương mến chân thành của bà con, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ngân hàng Tiên Phong (TPbank), các ngân hàng, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước dành cho Lộc Trời.

Người đứng đầu Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ tâm huyết: "Người Lộc Trời đầu tiên và luôn là số 1 - dành cho công việc, dành cho bà con nông dân mọi miền tổ quốc, dành cho nông nghiệp chưa từng vơi bớt, qua hơn 30 năm xây dựng và gắn bó với tập đoàn".

Ông Thòn chia sẻ ông vẫn luôn là người đại diện phần "vốn nông dân" tại Lộc Trời và tiếp tục đồng hành, lãnh đạo tập đoàn trong hành trình thực hiện sứ mệnh cùng nông dân phát triển bền vững, nâng tầm giá trị của nông sản Việt, nâng cao chất lượng sống của bà con nông dân và xây dựng vùng nông thôn xanh sạch, đáng sống.

Lộc Trời đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỉ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), đồng thời đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung và dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các “nút thắt cổ chai” về dòng tiền trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm