Chủ tịch TP.HCM: Không đòi nhiều biên chế nhưng phải đủ

(PLO)-  Về vấn đề biên chế, ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm: “TP.HCM không đòi nhiều nhưng phải đủ để đảm đương được công việc”. Ông cho biết TP sẽ có báo cáo đầy đủ với trung ương về biên chế dựa trên phân tích từ thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ sáu, các đại biểu HĐND TP.HCM khóa X đã thực hiện giám sát chuyên đề về nghị quyết 54. Các đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến xoay quanh nghị quyết này.

Các đại biểu HĐND TP.HCM trong kỳ họp thứ sáu HĐND TP khóa X. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các đại biểu HĐND TP.HCM trong kỳ họp thứ sáu HĐND TP khóa X. Ảnh: NGUYỆT NHI

ĐB kiến nghị cần có Luật đô thị đặc biệt

ĐB Tăng Hữu Phong cho biết, báo cáo thực hiện nghị quyết không đánh giá được cụ thể về kết quả mà TP đã làm được. Đối với một số dự án nhóm A, TP chưa định lượng được đến thời điểm hôm nay toàn TP thực hiện được bao nhiêu phần trăm.

ĐB Phong cho rằng TP cần dành sự quan tâm đầy đủ hơn để phân tích điểm nghẽn hiện nay sau đó mới đề ra được giải pháp phù hợp.

ĐB Phong cũng lo ngại về thời điểm kết thúc nghị quyết vào tháng 11 năm nay, trong khi đó TP lại chưa có nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54.

“Vậy thì việc điều hành những nội dung thuộc nghị quyết 54 hay nghị quyết 25 được thực hiện trên cơ sở pháp lý nào. Các nội dung đó có tiếp tục được thực thi không, hay tạm thời ngưng chờ nghị quyết mới?” - đại biểu Phong nói và cho rằng cần phải có tính toán để không bị động, gián đoạn trong quá trình thực hiện.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân ghi nhận một số điểm tích cực mà nghị quyết 54 đã mang lại cho TP. Theo ông, cốt lõi của nghị quyết này là thúc đẩy kinh tế - xã hội TP phát triển.

Hiện nay, 32 dự án đã được thông qua nhưng chỉ thông qua rồi lại vướng, không thể triển khai thực hiện được.

ĐB Quân cho rằng, cần xem lại bối cảnh của đô thị đặc biệt như TP.HCM khác với các tỉnh, thành khác. Ông nhấn mạnh điểm khác biệt giữa chính quyền địa phương và chính quyền đô thị, cho rằng cần có cái nhìn toàn cục để xử lý các vấn đề phát sinh rốt ráo hơn.

ĐB Quân nêu quan điểm, nên có Luật về đô thị đặc biệt hay Luật đại đô thị để giải quyết các bài toán phát sinh. Đặc biệt là với đô thị đặc biệt như TP, sắp tới sẽ có thêm trung tâm tài chính.

“Tôi nghĩ đã đến lúc đặt ra việc xây dựng Luật đô thị đặc biệt để giúp TP thay đổi căn cơ, đi đến cái đích sau cùng của phát triển kinh tế - xã hội”- ĐB Quân nói.

ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá, nghị quyết 54 có vai trò quan trọng với TP, quá trình thực hiện giúp giải quyết một số vấn đề lớn về quản lý đất đai, tài chính, nguồn tài chính chủ động, tăng thêm thu nhập cho cán bộ…

Từ thực tiễn, ĐB Vũ khẳng định việc giao cơ chế chủ động cho TP khi hệ thống pháp luật chưa giải quyết được các vấn đề của một đô thị như TP.HCM là rất cần thiết.

Từ đó, ĐB đề xuất TP kiến nghị với Trung ương dành cho TP cơ chế đặc biệt về công tác cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, linh hoạt trong bố trí, phân công tại TP.HCM, dành cho TP sự chủ động, sắp xếp, bố trí phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc.

ĐB Cao Thanh Bình thì cho rằng, dù nhận được những tín hiệu tích cực từ đầu nhưng đến nay việc thực hiện nghị quyết chưa được như mong muốn của TP.

Cá nhân ĐB Bình cho rằng, các bộ, ngành trung ương chưa có sự hỗ trợ tốt cho TP. Nhiều vấn đề dù cho TP cơ chế thực hiện nhưng phải chờ bộ ngành hướng dẫn, dù TP đeo bám nhưng vẫn chậm giải quyết.

“Chúng ta có vấn đề tồn tại nhiều năm, cá biệt có nội dung nhiều nhiệm kỳ chưa được giải quyết như cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước” - ĐB Bình nói và cho rằng, nếu TP.HCM làm được, thì có một nguồn kinh phí khá lớn để tái đầu tư vào những dự án công trình trên địa bàn hoặc các dự án nhóm A theo Nghị quyết 54 vốn đang vướng từ cơ chế, nguồn vốn...

ĐB này khẳng định, việc thực hiện nghị quyết tồn tại những nội dung chưa thể thấy được kết quả, nhưng nếu xây dựng được nghị quyết thay thế để tiếp tục thực hiện thì TP đã có sẵn nền móng rất tốt. 5 năm thực hiện thí điểm sẽ là tiền để để TP tiếp tục những đầu việc quan trọng trong thời gian tới.

Cần mạnh dạn thẳng thắn, nhìn nhận; mạnh dạn quy trách nhiệm các tổ chức, cá nhân nào chưa thật sự quyết liệt, còn lòng vòng trong giải quyết vấn đề.

Với đề xuất nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54, ĐB Bình nói cần phải rà kĩ, có phản biện, tổ chức các hội thảo phân tích, đánh giá tiêu cực, tích cực.

Về nội dung thu hút chuyên gia, ĐB Bình nói cần rà soát lại chính sách và bày tỏ lo ngại về hiệu lực nghị quyết sẽ gây gián đoạn trong việc kí hợp đồng, giữ chân chuyên gia.

“Nếu bảo TP thực hiện đúng theo biên chế trung ương thì khó. Tôi nghĩ TP cần mạnh dạn kiến nghị, xem xét lại tình hình để giao biên chế sát thực tế, cho phép phân bổ biên chế cho đơn vị hợp lý hơn. Vì nơi thiếu nơi lại thừa, áp lực rất lớn” - ĐB Bình đề đạt.

ĐB Bình cũng đề xuất cần rà soát tình hình thực tế việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm.

Cuối cùng, ĐB cho rằng nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư công lớn nhưng TP chỉ cân đối với tỉ lệ nhỏ. Vì vậy, việc TP huy động, tìm các nguồn vốn đầu tư công là hết sức cần thiết.

Hiện nay, theo quy định, các địa phương căn cứ vào việc phân bổ của trung ương trên tổng mức và danh mục các dự án đầu tư công ở giai đoạn trung hạn. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc TP.HCM huy động thêm các nguồn lực khi bố trí dự án nằm ngoài danh mục và vượt tổng mức đầu tư.

Do đó, phải đeo bám, kiến nghị với trung ương có chính sách đặc thù cho phép TP.HCM chủ động quyết định nguồn bổ sung tổng mức đầu tư cũng như danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch trung hạn để từ đó khi TP.HCM được chủ động nguồn vốn thực hiện các dự án.

TP.HCM không đòi nhiều biên chế nhưng phải đủ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có trao đổi với đại biểu HĐND TP về nghị quyết 54.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có trao đổi với đại biểu HĐND TP về nghị quyết 54. ẢNH: HỮU HẠNH

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có trao đổi với đại biểu HĐND TP về nghị quyết 54.

ẢNH: HỮU HẠNH

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đến giờ này cơ bản đã có bản dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54.

Đến giữa tháng 7-2022, TP sẽ tổ chức lấy ý kiến với năm nhóm vấn đề để Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thông qua.

Đến tháng 8-2022, TP.HCM sẽ báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau đó sẽ trình lên Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2022.

Nói về băn khoăn của đại biểu nếu tháng 11-2022 chưa có nghị quyết thay thế nghị quyết 54, ông Phan Văn Mãi cho biết khi Quốc hội vào làm việc với TP đã rất đồng tình với lộ trình trên.

“Chúng ta cố gắng hết sức để nghị quyết mới được thông qua tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội vào tháng 10-2022” – ông Phan Văn Mãi nói.

Về phân cấp cho TP thời gian qua, ông Mãi nói lúc ban đầu theo nghị quyết 54 thì phân cấp cho TP nhưng khi làm phải hỏi ý kiến bộ.

“Hỏi ý kiến bộ thì quay lại các quy định pháp luật” - người đứng đầu chính quyền TP trăn trở và cho rằng phân cấp phải đi kèm với giao điều kiện để thực hiện.

Ông Mãi nói: “Đây là một trong những nội dung cốt lõi trong nội dung nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 mà TP đang dự thảo”.

Về vấn đề biên chế, ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm: “TP.HCM không đòi nhiều nhưng phải đủ để đảm đương được công việc”.

Ông cho biết TP sẽ có báo cáo đầy đủ với trung ương về biên chế dựa trên phân tích từ thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm