Đại biểu Võ Văn Sen chất vấn vì sao nợ công thành phố ở mức quá thấp, đây phải chăng là một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế TP phục hồi tăng trưởng chậm. Làm sao nâng khoản vay nợ công lên để TP phát triển tốt hơn?
Chủ tịch Quân cho biết trong hoạt động sản xuất kinh doanh phải có vay nợ, nhưng vay, xử lý nợ vay và đầu tư thế nào cần nhiều giải pháp phù hợp. Việc kiểm soát nợ công rất quan trọng, nợ công TP vay phải vừa phục vụ phát triển TP vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa để mức nợ công của TP không ảnh hưởng đến nợ công chung của quốc gia.
Trên cả nước có nhiều dự án nằm "đắp mền" dài hạn . Ảnh minh họa
TP có nhu cầu vay nợ để đầu tư công nhưng phải bàn bạc thật kỹ. Dự án đó nguồn vốn từ đâu ra, nguồn để trả nợ vay, không thể vay nhưng không có nguồn cân đối.
Điển hình như dự án xây dựng 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (khoảng 12.000 tỉ đồng) phải sử dụng nguồn quỹ đất tại khu Thủ Thiêm để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư chứ không thể vay để đầu tư vì số tiền quá lớn, lãi suất như hiện nay kéo dài hạn sẽ không thể chịu nổi.
Chủ tịch TP nhấn mạnh “Trong tình hình kinh tế khó khăn, kiểm soát nợ công là ưu tiên hàng đầu của TP”.
Đại biểu Lâm Thiếu Quân đặt vấn đề hàng năm TP dành ngân sách để đầu tư phát triển gần 20.000 tỉ đồng nhưng nhiều dự án chậm tiến độ. Từ đó, tiền lãi mà ngân sách phải chịu sẽ tăng cao, làm sao để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm tiền thuế của dân? Trong khi Bộ GTVT mạnh dạn thay nhà thầu với các dự án chậm tiến độ thì TP xử lý nhà đầu tư chậm tiến độ thế nào?
Ông Quân lý giải mấy năm qua TP ưu tiên hạ tầng giao thông, giao thông đô thị…có 128 dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay. Với những nhà thầu thi công ẩu, không có giải pháp khoa học, làm chậm tiến độ, TP không cho tham gia đấu thầu dự án trên địa bàn TP nếu không khắc phục.
Nhưng cũng có những dự án chậm do yếu tố vướng đền bù giải tỏa. Điển hình, Tỉnh lộ 10B chỉ còn 30m là hoàn thành đi vào sử dụng nhưng mấy năm nay nằm đó do vướng đền bù. Rất mong bà con chia sẻ, đồng thuận.