Sáng 30-6, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) giai đoạn 2012-2022. Hội nghị được trực tuyến đến 4.100 điểm cầu trên cả nước.
Tại điểm cầu TP.HCM, có sự tham dự và chủ trì của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN NAM |
Xử lý một số vụ án còn kéo dài
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, khẳng định Thành uỷ TP.HCM luôn ý thức công tác PCTNTC là nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển của TP.
“Chúng tôi nhận thức tài sản vô giá, thiêng liêng của Đảng là niềm tin của nhân dân, niềm tin đó tăng lên theo mức độ liêm chính trong sạch của bộ máy Đảng, hệ thống chính trị” – ông Mãi nói và cho biết PCTNTC tốt sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Theo ông Mãi, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa cũng như xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Qua đó đã đạt được một số kết quả đáng chú ý.
Tuy nhiên, ông Mãi cho biết công tác phát hiện các vụ việc tham nhũng trên địa bàn TP vẫn còn những tồn tại. Trong đó, công tác tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở từng cơ quan đơn vị chưa cao; việc xử lý một số vụ án còn kéo dài, hiệu lực chưa nghiêm; công tác dự báo phát hiện chưa được quan tâm đúng mức, chưa theo kịp tình hình.
Ông Phan Văn Mãi nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, lãnh đạo của cơ quan chức năng có lúc chưa quyết liệt, thiếu đeo bám.
Bên cạnh đó, khối lượng công việc thường xuyên quá tải, nhân lực và điều kiện thực hiện công tác đôi khi chưa đáp ứng với yêu cầu. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của TP cũng như sự phối hợp giữa TP với các cơ quan trung ương đôi khi chưa đồng bộ, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Công tác giám định, định giá tài sản còn hạn chế, gây chậm trễ tiến độ và hiệu quả công tác.
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN NAM |
Mỗi cán bộ, đảng viên bản tự quản bản thân
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành uỷ TP sẽ tập trung thực hiện bảy nhiệm vụ.
Trong đó, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng trong đội ngũ người đứng đầu các cấp, nhất là cơ quan nội chính.
Tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ vào nề nếp, thực chất, gắn với việc trình bày chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ của cán bộ, xem đây là cam kết chính trị của cán bộ với Đảng, nhân dân và là vinh dự của cán bộ.
“Chúng tôi thể hiện quan điểm dứt khoát rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải định vị lại bản thân đầy đủ nhất về con đường mà mình đã chọn. Từ đó tự quản bản thân, tự tu chỉnh theo tinh thần học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” – ông Mãi nêu.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM sẽ chú trọng PCTNTC trong các cơ quan chức năng về PCTNTC; tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực. Chưa kể, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát các cơ quan nội chính trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng về kinh tế và chức vụ, kịp thời xem xét xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm.
Ngoài ra, tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ PCTNTC cho cán bộ, thực hiện có hiệu quả Quy định 1374, công tác giám định định giá tài sản trong tố tụng hình sự và pháy huy hoạt động của Ban chỉ đạo PCTNTC TP.HCM…
Thu hồi gần 4.000 tỉ đồng tài sản thất thoát
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết vừa qua, trong công tác đấu tranh PCTNTC, TP.HCM đã phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý 129 vụ với 265 bị can và thu hồi gần 4.000 tỉ đồng tài sản thất thoát chiếm đoạt về cho ngân sách.
Ông Mãi khẳng định vừa qua Thành uỷ TP.HCM thường xuyên theo dõi đôn đốc việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng. Nhất là 14 vụ án, bốn vụ việc về tội phạm kinh tế tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, có dư luận xã hội thuộc diện theo dõi, chỉ đạo hoặc có kết luận ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, đã rà soát và đưa vào diện Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM theo dõi.
Đáng chú ý, từ việc ban hành Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, TP.HCM đã tiếp nhận xử lý 171 nguồn tin phản ánh, chuyển cơ quan điều tra chín trường hợp.
“Đây là quy trình mà TP từ thực tiễn của mình đã nghiên cứu triển khai và trong quá trình áp dụng thực hiện thấy phát huy được hiệu quả và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới” – ông Mãi nhìn nhận.