Sáng 30-6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).
Hội nghị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và một số Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì.
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giai đoạn 2012-2022, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho biết 10 năm qua, công tác PCTNTC có nhiều bước tiến mạnh, mang tính đột phá.
Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trình bày báo cáo kết quả 10 năm công tác PCTNTC. Ảnh: VOV |
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo quyết liệt, kết hợp xử lý hành chính, kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự. Kỷ luật Đảng thực hiện trước, mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật nhà nước, xử lý hình sự; nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn, không có cùng cấm, ngoại lệ, bất kể đó là ai.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, xử lý nghiêm minh cả cán bộ đương chức, nghỉ hưu, cán bộ cao cấp. Kết quả thể hiện qua việc các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng .
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có tám Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Đặc biệt, trong những vụ án đã bị xử lý, nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng từ nhiều năm trước, hoặc xảy ra ở lĩnh vực chuyên sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là vùng cấm, nhạy cảm.
Vẫn theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, từ những kết quả đạt được cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác PCTNTC.
Điển hình, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, phải đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện của Đảng, mà trực tiếp thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC .
Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chủ chốt, với sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói".
Đáng chú ý, thực tế cho thấy đằng sau các vụ tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng cán bộ công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu. Do đó, yêu cầu đặt ra phải chú trọng công tác cán bộ, gắn PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện xử lý là quan trọng cấp bách.
“Phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực, răn đe nghiêm khắc để không dám tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính để không muốn tham nhũng, tiêu cực và cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng, tiêu cực” – ông Trạc dẫn báo cáo.
Một bài học quan trọng khác là quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa; tham nhũng, tiêu cực là một dị tật bẩm sinh của quyền lực. Vì vậy, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Cán bộ không ngừng tu dưỡng, tự soi tự sửa; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ, nhất là lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín hoặc bí mật.
Nhắc tới vai trò to lớn của nhân dân, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTNTC.
Do đó, phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp...