Ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho biết xã đã nhận được rất nhiều phản ánh về Công ty Thiết kế xây dựng Phương Linh (viết tắt là công ty) phân lô bán nền trên địa bàn xã. Xã đã cảnh báo cho người dân trên khu đất 443 tờ bản đồ 25 không có dự án nào được phê duyệt.
Trong khi đó có nhiều người đã mua nền theo bản vẽ phân lô của công ty!
Bán nền nhưng không có đất giao
Sau nhiều năm vào TP.HCM lập nghiệp, ngày 25-5, anh Dương Văn H. đến công ty (trụ sở trên đường Song Hành, huyện Hóc Môn, do ông Lê Đình Quyết Tiến làm giám đốc) để mua một nền đất hơn 95 m2 với giá 800 triệu đồng (lô 26 - theo bản vẽ phân lô của công ty lập ngày 20-5).
Công ty giao cho anh H. tờ vi bằng về việc giao nhận tiền; hợp đồng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất giữa giám đốc công ty và người mua đất; bản vẽ hiện trạng lô đất do công ty lập.
Theo hợp đồng, sau khi nộp đủ tiền thì công ty giao ngay nền đất cùng giấy tờ nhưng đến nay anh H. vẫn không được nhận nền.
“Công ty có làm văn bản cam kết trả lại tiền nhưng không thực hiện” - anh H. nói.
Anh H. cho hay trước khi mua nền đã xem hồ sơ mà công ty đưa ra. Theo đó, công ty đã mua mảnh đất của ông Bùi Đình Tòng với giá hơn 10 tỉ đồng rồi lập dự án phân lô bán nền.
Không chỉ anh H., nhiều người khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự là “tiền trao nhưng cháo không múc” nên họ đến công ty đòi đất.
Khu đất mà công ty bán cho người dân đã được cắm biển cảnh báo. Ảnh: HOÀI NAM
Chủ đất nói chưa bán cho công ty
Theo hợp đồng mua bán đất (bằng giấy tay) giữa ông Tiến và chủ đất Bùi Đình Tòng lập ngày 10-4 thì ông Tòng đồng ý bán cho ông Tiến hơn 3.000 m2 với giá hơn 10 tỉ đồng. Phần cuối hợp đồng này có chữ viết bằng tay “Đã nhận đủ mười tỉ một trăm triệu đồng”, ký tên Bùi Đình Tòng.
Tuy nhiên, theo ông Tòng, trước đó ông Tiến có đặt vấn đề mua mảnh đất trên nhưng bất thành. “Hợp đồng mua bán ngày 10-4 mà ông Tiến cung cấp cho các hộ dân đã giả chữ ký của tôi” - ông Tòng nói.
“Sau khi biết ông Tiến làm giả giấy mua bán đất, tôi đã đến xã Đông Thạnh trình báo vụ việc, đồng thời đến khu đất đóng bảng ghi “đất đã có chủ” và số điện thoại để cảnh báo người dân…” - ông Tòng cho biết.
Để làm rõ thêm thông tin, PV báoPháp Luật TP.HCM đến Công ty Phương Linh, tuy nhiên hai lần đến trụ sở, nhân viên ở đây đều cho biết giám đốc là ông Tiến đi công tác. Chúng tôi điện thoại trực tiếp cho ông Tiến, ông Tiến nói phải đặt lịch làm việc. “Tôi muốn hỏi rõ có việc gì, đi mấy người để tôi nhờ một số đơn vị khác hỗ trợ luôn… Tôi xác định luôn bằng điện thoại một lần, anh ghi âm luôn nha, không phải bán đất để lừa đảo tiền trong khi tiền tôi chưa nhận được. Anh hiểu rõ vấn đề đó không?... Tôi không tiếp nữa nha” - ông Tiến nói.
Vi bằng lập theo yêu cầu Trưởng văn phòng thừa phát lại lập các vi bằng giao nhận tiền giữa người dân và công ty trên cho hay văn phòng hoạt động luôn tuân thủ theo pháp luật. “Theo yêu cầu của khách, chúng tôi cử cán bộ đến để chứng kiến hai bên giao tiền cho nhau chứ không xác nhận việc mua bán đất. Việc xác nhận và chứng kiến hành vi giao nhận tiền này có lợi cho người dân vì nó là bằng chứng để họ làm việc với các cơ quan chức năng. Việc lập vi bằng này là đúng pháp luật nhưng nếu biết sẽ xảy ra lùm xùm, chúng tôi đã hạn chế xác nhận những trường hợp như thế này” - trưởng văn phòng thừa phát lại nói. |