Chưa giao con đã kiện giành con

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của ông MHC (ngụ quận 10, TP.HCM), sửa bản án sơ thẩm, giao cháu bé con chung của ông C. với bà TTKO (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho ông C. trực tiếp nuôi dưỡng. Theo tòa, bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của bà O. là không đúng pháp luật.

Mới ly hôn đã kiện xin đổi người nuôi con

Theo hồ sơ, tháng 1-2015, bà O. đã nộp đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con ra TAND quận 10. Bà O. trình bày rằng đã ly hôn với ông C. từ hai tháng trước đó. Xử ly hôn, tòa giao cháu bé con chung của họ (SN 2007) cho ông C. trực tiếp nuôi, bà O. không phải cấp dưỡng.

Bà O. khai rằng sau khi tòa xử, ông C. không nuôi dưỡng, không thăm nom, chăm sóc con. Hiện tại cháu sống với mẹ, đi học trường điểm đạt chuẩn quốc gia có kết quả học tập tốt. Cạnh đó, cháu có nguyện vọng sống chung với mẹ. Vì lợi ích của con, bà yêu cầu được thay đổi người trực tiếp nuôi con và không yêu cầu ông C. cấp dưỡng.

Ông C. trình bày một câu chuyện khác hẳn. Ông kể sau khi tòa xử án ly hôn, bà O. không tự nguyện giao con cho ông trực tiếp nuôi theo phán quyết của tòa. Ông đã nộp đơn cho Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Mỏ Cày Bắc (nơi bà O. đang ở) yêu cầu THA. Chi cục THA huyện Mỏ Cày Bắc cũng có quyết định THA nhưng bà O. không chấp hành...

Tòa phúc thẩm: Thay đổi là không đúng pháp luật

Xử sơ thẩm, TAND quận 10 đã chấp nhận yêu cầu xin thay đổi quyền trực tiếp nuôi con của bà O. nên ông C. kháng cáo. Ông C. cho rằng ngoài việc không thực hiện việc giao con cho ông theo bản án ly hôn, bà O. cũng không đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con vì bà vừa kết hôn vào tháng 5-2015 và đã có con chung với chồng mới.

Trong giai đoạn TAND TP.HCM giải quyết phúc thẩm, Chi cục THA huyện Mỏ Cày Bắc có văn bản xác nhận quá trình cơ quan này tổ chức THA, bà O. không tự nguyện giao trẻ cho ông C. trực tiếp nuôi dưỡng như bản án ly hôn tòa tuyên dù chấp hành viên đã nhiều lần mời hai bên đến động viên, thuyết phục. Căn cứ theo Điều 120 Luật THA dân sự 2008, chấp hành viên đã phối hợp với địa phương động viên, thuyết phục bà O. tự nguyện THA nhưng bà O. vẫn không thực hiện. Sau đó, chấp hành viên phải ban hành quyết định cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng...

Từ đó, tòa phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con cho bà O. là không đúng pháp luật. Bởi lẽ tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ việc khi cơ quan THA có thẩm quyền đã ra quyết định cưỡng chế THA với bà O. Bà O. có khả năng nhưng lại không tự nguyện THA. Mặt khác, hiện bà O. đã có chồng, con mới trong khi ông C. chưa kết hôn, đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con. Từ đó, tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm như đã nói.

Phải chấp hành nghiêm bản án

Năm 2010, chị C. và anh L. cưới nhau, có với nhau hai con trai. Năm 2015, chị C. nộp đơn xin ly hôn tại TAND huyện Nhà Bè (TP.HCM). Tháng 6-2015, tòa này xử sơ thẩm, ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn giữa hai người. Về con chung, tòa giao cháu nhỏ chưa đủ ba tuổi cho chị C. nuôi, cháu lớn hơn năm tuổi cho anh L. nuôi. Sau đó, anh L. kháng cáo lên TAND TP.HCM xin nuôi cả cháu nhỏ nhưng bị bác đơn.

Tháng 12-2015, Chi cục THA dân sự huyện Nhà Bè đã ra quyết định THA. Ngày 13-1-2016, chấp hành viên tổ chức việc giao nhận con nhưng anh L. thông báo cháu lớn bị bệnh và xin hoãn. Ngày 29-1, hết thời gian xin tạm hoãn, chấp hành viên không tổ chức việc giao nhận con với lý do anh L. có đơn khởi kiện thay đổi quyền nuôi con và đã được TAND huyện Nhà Bè nhận đơn.

Chị C. khiếu nại. Chi cục THA huyện Nhà Bè thừa nhận việc ngưng THA với lý do trên là không có cơ sở nên tiếp tục thi hành. Cơ quan THA cho biết nếu trong quá trình THA mà anh L. không giao con thì sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên đến nay, việc cưỡng chế vẫn không thành và chị C. vẫn phải tiếp tục chờ.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, nhiều thẩm phán cho biết khi nộp đơn thay đổi quyền trực tiếp nuôi con, nhiều người giấu tình trạng chưa THA giao con theo bản án tòa tuyên có hiệu lực trước đó. Vì vậy, tòa án nơi nhận đơn xin thay đổi quyền trực tiếp nuôi con có thể không nắm được nên mới thụ lý, chỉ khi thẩm phán được phân công giải quyết mời các bên đến làm việc mới rõ sự tình. Trong trường hợp này, thông thường các tòa sẽ ra quyết định đình chỉ, trả lại đơn khởi kiện hoặc nếu tòa sơ thẩm có lỡ xử chưa hợp lý thì tòa phúc thẩm sẽ điều chỉnh lại cho công bằng. Bởi lẽ đúng là sau khi ly hôn, khi cần thiết vì lợi ích của trẻ thì cha, mẹ có quyền nộp đơn yêu cầu tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con nhưng bản án trước đó phải được các bên đương sự chấp hành nghiêm túc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm