Cũng trong năm 2004, bà Nhị được Bộ Nội vụ cấp chứng nhận trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính. Tuy nhiên, mới đây, theo ý kiến khiếu nại của đảng viên trong chi bộ, Chi uỷ Đài Phát thanh Phú Yên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện bà Võ Thị Nhị chưa học hết lớp 9. Lạ lùng là bà Nhị đã qua mặt được tất cả các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên và một số Trường đại học để “ băng rào” bằng cấp một cách ngoạn mục.
Vượt rào bằng cấp
Tháng 5/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập (trên cơ sở chia tách từ tỉnh Phú Khánh cũ), đài Phát thanh Phú Yên thành lập. Biết Đài đang cần người bà Võ Thị Nhị đã làm đơn xin chuyển công tác từ Trường Bổ túc văn hoá tỉnh về đài Phát thanh. Mặc dù chưa học hết lớp 9, nhưng trong sơ yếu lí lịch và đơn xin việc gửi Đài Phát thanh lúc bấy giờ bà vẫn ghi là tốt nghiệp 12/12.
Chưa học xong lớp 9, bà Nhị đã có bằng cử nhân kinh tế. |
Sau vài năm công tác, bà Nhị làm đơn xin đi học lớp đại học tài chính kế toán tại chức do Trường đại học Tài chính kế toán TP.HCM liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên mở tại Phú Yên năm 1991-1996. Theo qui chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo và giấy báo tập trung học tập của Trường Đại học tài chính kế toán TP.HCM ngày 10/9/1991, trước khi vào đại học, các học viên phải có bản chính Văn bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, hoặc Bổ túc văn hoá hay bằng tốt nghiệp Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Với qui định như vậy, bà Nhị không đủ điều kiện tham gia lớp học này. Nhưng không biết bằng cách nào đó bà Nhị đã ghi danh tên mình vào lớp đại học.
Sau 5 năm “đèn sách”, lớp đại học tài chính kế toán tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Theo đúng qui định, Trường Đại học tài chính kế toán TP.HCM tổ chức kiểm tra văn bằng tốt nghiệp THPT 1 lần nữa. Biết không thể qua được đợt kiểm tra này, bà Nhị đã nảy ra “sáng kiến” là làm “Đơn xin xác nhận thất lạc hồ sơ gốc” để bổ sung hồ sơ đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp lớp Đại học tài chính kế toán. Đơn này được gửi cho Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Phú Yên.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó phòng tổ chức hành chính sở Giáo dục đào tạo Phú Yên xác nhận: “Việc khai xác nhận hồ sơ của bà Võ Thị Nhị là đúng”. Đồng thời có cả chữ ký của ông Trần Văn Chương (nay là giám đốc sở Giáo dục đào tạo Phú Yên) xác nhận chữ ký của bà Lan. Điều khó hiểu hơn nữa là người ký xác nhận lại ký trước 1 ngày so với người viết đơn. Đơn của bà Nhị ghi ngày 23/4/1996, còn bà Lan xác nhận vào ngày 22/4/1996.
Có được tấm bằng đại học tài chính kế toán bà Võ Thị Nhị đã tạo thêm cho mình cái vỏ bọc khá chắc chắn về bằng cấp. Chưa dừng lại ở đó, vẫn với chiêu cũ, bà Võ Thị Nhị tiếp tục nộp đơn học lớp cao cấp lý luận chính trị tại phân viện Đà Nẵng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh uỷ Phú Yên mở tại Trường Chính trị Phú Yên.
Và với khả năng “siêu phàm”, bà Nhị lại được chấp nhận vào học và cuối khoá được thi tốt nghiệp và được phân viện Đà Nẵng cấp bằng tốt nghiệp cao cấp lý lý luận chính trị.
Với những tấm bằng như vậy, bà Nhị đã được kết nạp Đảng, rồi từng bước thăng cấp. Từ một kế toán thanh toán bà Nhị được bổ nhiệm lên làm phó, rồi Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức hành chính Đài Phát thanh với nhiệm vụ phụ trách kế hoạch tài vụ đơn vị này.
Ai tiếp tay cho hành vi của bà Nhị?
Điều bất ngờ là trong quá trình xác minh làm rõ theo kiến nghị của đảng viên, Chi uỷ đài Phát thanh còn phát hiện thêm một số tình tiết khá phức tạp trong phần kê khai lý lịch cán bộ và thực tế bằng cấp của bà Võ Thị Nhị.
Cụ thể như sau, trong tất cả các lý lịch cán bộ, lý lịch Đảng viên ở mục trình độ học vấn văn hoá phổ thông từ trước đến nay, bà Võ Thị Nhị đều khai đã tốt nghiệp 12/12. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác minh và tại bản tường trình trước chi bộ mới đây bà Nhị khai chưa học hết lớp 9/12.
Trong công văn này, Chi uỷ Đài PT Phú Yên đã xác định bà Nhị chưa học xong lớp 9. |
Còn đối với các cơ quan chức năng ở tỉnh và các Trường đại học thì bà Nhị khai là đã Tốt nghiệp lớp Trung cấp tài chính kế toán. Nhưng khi gặng hỏi tốt nghiệp năm nào, ở đâu thì bà Nhị lại "không nhớ". Hỏi về bằng cấp thì bà nói đã bị thất lạc.
Trớ trêu hơn, bà Nhị cho rằng việc thất lạc hồ sơ gốc của bà là do các cơ quan nhà nước. Do bà chuyển công tác quan nhiều lần, hồ sơ của bà được tổ chức chuyển đi bằng bưu điện nên thất lạc khi nào bà không biết. "Khi học xong lớp Trung cấp thì bằng tốt nghiệp người ta cũng chuyển qua đường bưu điện về cơ quan chứ tôi cũng chưa thấy mặt mũi bằng cấp ra sao…” - bà Nhị nói.
Cho đến bây giờ, cả lãnh đạo cơ quan, những người có trách nhiệm quản lý hồ sơ cán bộ cơ quan Đài Phát thanh Phú Yên vẫn chưa rõ bà Võ Thị Nhị - Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức hành chính đã học đến lớp mấy, trường nào trước khi chuyển về Đài Phát thanh. Bởi tất cả bằng cấp của bà chỉ dựa trên cơ sở những lời khai trong những bản lý lịch không thống nhất, còn mọi giấy tờ liên quan đến văn bằng chứng nhận trình độ học vấn của bà Nhị thì mặc nhiên không có bất cứ 1 giấy tờ nào. Trong hồ sơ của bà, ngoài các bằng đại học mới học sau này thì không có thêm một chứng chỉ nào khác.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao một cán bộ chưa học hết lớp 9/12 lại được học và được cấp nhiều bằng đại học như đã nêu trên? Trong quá trình từ lúc nhận công tác đến lúc kết nạp Đảng, rồi được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại một cơ quan báo chí cấp tỉnh, không một vị nào có trách nhiệm phát hiện ra? Ai đã tiếp tay cho những hành vi sai phạm này? Hành vi mang khai lý lịch sẽ được xử lý như thế nào?
Các cơ quan chức năng tại Phú Yên đang tiến hành xử lý trường hợp này.
Theo Đăng Duy ( VNN)