1 năm xung đột Nga - Ukraine:

Chưa thấy hồi kết và những tổn thương lớn cho kinh tế

(PLO)- Nga - Ukraine vẫn ở thế giằng co quyết liệt sau một năm nổ ra cuộc xung đột vốn gây nhiều tác động cho thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (24-2), đánh dấu đúng một năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine, cuộc xung đột quân sự lớn nhất châu Âu kể từ thời Chiến tranh lạnh. Một năm dài giao tranh ác liệt giữa hai bên cũng đã khiến thế giới gặp nhiều biến động lớn.

Chiến trường ác liệt ngày đêm

Ngay từ những ngày đầu, phía Nga dồn lực đánh thẳng từ vùng Donbass (miền Đông Ukraine) vào thủ đô Kiev, sử dụng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” nước láng giềng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiến quân gặp trở ngại nên các lực lượng Moscow đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Ngay sau đó, quân Nga nhanh chóng đổi chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang dồn lực tấn công các TP chủ lực của Ukraine, trong đó phải kể đến TP Kherson, Mariupol, Lviv, Zaporizhia...

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer nhận định Ukraine có thể giành lại được nhiều lãnh thổ hơn từ tay Nga, song việc đẩy lùi Moscow hoàn toàn khỏi Ukraine sẽ là một nhiệm vụ khó nhằn, đặc biệt là khi điện Kremlin đã chuẩn bị sẵn sàng các vị trí phòng thủ.

Trong thời gian này, theo hãng tin Bloomberg, các lực lượng Nga đã kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và những cáo buộc của Kiev về việc Moscow tấn công nhà máy đã làm dấy lên quan ngại lớn cho cộng đồng quốc tế về khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân. Việc Moscow phong tỏa Biển Đen cũng đặt ra thách thức lớn về an ninh lương thực cho toàn thế giới khi đó. Bên cạnh đó, giai đoạn này còn nổi lên loạt cáo buộc Moscow vi phạm tội ác chiến tranh ở Bucha và nhiều vùng khác quanh Kiev, dù điện Kremlin liên tục phủ nhận.

Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến bắt đầu khi quân Nga chuyển hướng bao vây khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine. Kể từ tháng 4-2022, Nga nhắm mục tiêu pháo kích các TP lớn ở Donetsk, Luhansk, chẳng hạn như Kramatorsk, Bakhmut, Severodonetsk, Lysychansk với kết quả là hoàn toàn đẩy lùi quân Kiev khỏi Luhansk hồi tháng 7, vài tháng sau đó tuyên bố sáp nhập tỉnh này cùng các tỉnh Donetsk, Kherson, Zaporizhia vào lãnh thổ Nga. Kể từ tháng 9-2022, Ukraine phát động chiến dịch phản công, giành lại được hàng ngàn kilomet vuông lãnh thổ Kharkiv và các khu vực lân cận.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành 2S7 Pion tại tiền tuyến tỉnh Kherson. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành 2S7 Pion tại tiền tuyến tỉnh Kherson. Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến tiếp tục leo thang khi Nga một lần nữa đổi chiến lược, tấn công ồ ạt vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng như việc phương Tây bắt đầu viện trợ các vũ khí hạng nặng với sức công phá lớn cho Kiev, chẳng hạn như loạt xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức, Abrams của Mỹ, Challenger của Anh... và có thể là các tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu (trong đó có F-16) trong thời gian tới, dù vẫn chưa rõ khả năng này có thành hiện thực hay không. Vụ việc tên lửa “bay lạc” sang lãnh thổ Ba Lan ngày 15-11-2022 cũng khiến quốc tế đứng ngồi không yên do lo ngại xung đột Ukraine sẽ bùng phát thành leo thang quân sự giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song may mắn viễn cảnh trên đã không xảy ra.

Theo tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, tính đến ngày 22-2, các lực lượng Ukraine đã phá hủy 9.903 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép, 2.816 hệ thống pháo các loại, 243 hệ thống phòng không, 2.626 máy bay các loại, bắn hạ 873 tên lửa hành trình của Nga, hãng Ukrinform đưa tin. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tính tới ngày 22-2 đã phá hủy 3.809 máy bay các loại, 405 hệ thống tên lửa phòng không, 7.979 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép, 4.179 khẩu pháo dã chiến và súng cối... của quân Kiev. Viễn cảnh hòa đàm Nga - Ukraine vẫn đang bỏ ngỏ khi cả hai đều khăng khăng cáo buộc đối phương mới là bên không chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Cuộc đua trừng phạt và tác động kinh tế khó lường

Ngay từ buổi đầu chiến sự, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng tung đòn trừng phạt đầu tiên nhắm vào Nga, bắt đầu từ việc trừng phạt hàng loạt nghị sĩ Nga, ngăn nước này tiếp cận vốn và thị trường tài chính EU, gồm việc loại hầu hết ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Tính đến hiện tại, EU đã tung ra tổng cộng chín gói trừng phạt đối với Moscow. Gần đây nhất phải kể đến là nước đi của EU trong việc áp giá trần dầu Nga và cấm các nước thành viên nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Moscow. Theo hãng tin Reuters, khối này đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga, dự kiến sẽ khiến Moscow thiệt hại gần 12 tỉ USD.

Trước áp lực trừng phạt, Nga nhanh chóng cắt nguồn cung khí đốt, yêu cầu các quốc gia “thân thiện” thanh toán dầu bằng đồng rúp và sắp tới sẽ công bố các biện pháp trả đũa đối với trừng phạt từ phương Tây trước thời điểm tháng 3 liên quan đến việc Brussels cấm vận và áp giá trần dầu Moscow, theo đài RT.

Theo đài I24 News, cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra nhiều tác động lớn đến thế giới. Các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như những đòn đáp trả của Nga đã khiến hóa đơn khí đốt ở châu Âu tăng gần gấp đôi và giá điện tăng khoảng 70% trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến. Cuộc xung đột cũng đã “vẽ lại” bản đồ phân phối dầu thế giới khi Nga xoay trục khỏi châu Âu, hướng về thị trường châu Á mà Trung Quốc và Ấn Độ là những khách hàng lớn, theo Reuters. Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung các loại lương thực chính, khiến giá lương thực toàn cầu tăng phi mã. Ngoài ra, giá dầu thực vật và ngũ cốc cũng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong giai đoạn đó.•

Ukraine thận trọng trước kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết đã gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị hôm 18-2 và được nghe trình bày một số phần quan trọng trong kế hoạch hòa bình Nga - Ukraine, theo hãng tin Ukrinform.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Ukraine khá thận trọng trước ý tưởng của Trung Quốc khi bày tỏ hy vọng nhận được toàn bộ nội dung kế hoạch hòa bình bằng văn bản. Ông Kuleba nhấn mạnh cần phải nghiên cứu chi tiết kế hoạch này.

Phía Mỹ cũng lo ngại sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Nga khi ông Vương thăm Moscow hôm 21-2 trước thềm cột mốc một năm chiến sự, song phía Nga cho biết hai bên không thảo luận về đề xuất hòa bình của Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm