Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải trên quốc lộ (QL) 1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận làm tám người tử vong, ngày 24-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Huyện (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) khẳng định các vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua phần lớn do lỗi tài xế, không phải lỗi hạ tầng. Cụ thể như vụ tai nạn ở Bình Thuận vừa qua có nguyên nhân ban đầu là tài xế buồn ngủ.
Còn hơn 500 km quốc lộ chưa có dải phân cách
Về kiến nghị của tỉnh Bình Thuận làm dải phân cách trên QL 1A, ông Huyện cho biết theo nguyên tắc, mặt đường phải rộng từ trên 16 m mới lắp đặt được dải phân cách giữa để bảo đảm cho mỗi bên rộng 8 m đủ cho một làn ô tô, một làn xe máy, trong khi QL1A chạy qua tỉnh Bình Thuận không đảm bảo bề rộng này.
“Nếu mặt đường rộng dưới 16 m đặt dải phân cách thì ô tô sẽ chèn ép, gây nguy hiểm đến tính mạng người đi xe máy và các phương tiện thô sơ khác. Vấn đề này có thể địa phương chưa hiểu nên mới có kiến nghị…” - ông Huyện cho hay.
Đối với đề xuất mở rộng đường QL1 nói chung và đoạn qua Bình Thuận, ông Huyện cho biết hiện nay QL1 còn hơn 500 km chưa được mở rộng và nhiều địa phương cũng muốn mở rộng chứ không riêng gì Bình Thuận. “Tuy nhiên, ngân sách nhà nước có hạn nên chưa thể thực hiện việc này. Cạnh đó, Bộ GTVT đang đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nên phải cân đối nguồn lực và xem xét tổng thể…” - ông Huyện nói.
Theo dự kiến, tháng 9-2020, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đi song song và cách QL 1A khoảng 10 km. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ giảm tải cho QL 1A.
Về những điểm đen tai nạn mới trên QL 1A, ông Huyện khẳng định sẽ lắp đặt thêm đinh phản quang. Cạnh đó, tuyên truyền người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không phóng nhanh, vượt ẩu…
Vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải rạng sáng 21-7 tại Bình Thuận, làm tám người chết. Ảnh: PN
Tỉnh kiến nghị, bộ ghi nhận
Trước đó, chiều 21-7, lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã làm việc với tỉnh Bình Thuận về vụ tai nạn giao thông trên làm 15 người chết và bị thương.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết: Nhằm góp phần hạn chế, giảm tai nạn giao thông do đối đầu trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT, công an tỉnh, các sở, ban, ngành trong tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố có giải pháp, phương án xử lý trước mắt các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là các đoạn không có dải phân cách trên tuyến QL1A. Nhân dịp này, tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo sớm triển khai thi công mở rộng nền, mặt đường và các cầu hẹp (cầu Phú Sung, cầu Ông Hạnh, cầu Tà Mon và cầu Tân Minh), lắp đặt dải phân cách giữa đoạn còn lại 43,7 km. Cùng đó là chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, giảm áp lực cho tuyến QL1A, đây là giải pháp căn cơ để giảm tai nạn giao thông trên tuyến QL1A.
Về các kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, đoàn công tác ghi nhận và sẽ báo cáo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ.
Đoạn xảy ra tai nạn rộng chỉ 12-13 m Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết hạ tầng đoạn QL qua tỉnh Bình Thuận nơi xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vừa qua đã xuống cấp, làn đường chỉ rộng 12-13 m. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt mạnh để tạo tính răn đe, đồng thời nghiên cứu giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực này. Thứ trưởng cho biết Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Bắc - Nam, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết để giảm tải giao thông đoạn qua khu vực huyện Hàm Tân. |