Chùm ảnh: Ấn tượng những gương mặt được trao giải thưởng Sống đẹp

Ở hạng mục Kiến tạo, giải Tập thể duy nhất được trao cho Tập thể Y bác sĩ BV Chợ Rẫy với công trình: “Xây dựng, áp dụng và đánh giá hiệu quả của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại BV Chợ Rẫy”. 


 

 Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và PGS - TS Nguyễn Thị Hòe, chủ tịch tập đoàn sơn KOVA trao tặng giải thưởng cho tập thể y bác sĩ BV CHợ Rẫy

Đây là công trình quy mô lớn, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận và có giá trị ứng dụng to lớn. Đội ngũ nghiên cứu gần 50 người gồm Giám đốc, Phó giám đốc và các Trưởng, phó khoa của BV Chợ Rẫy thực hiện với 800 bệnh nhân. Công trình mang lại hiệu quả đáng kể: giảm tỉ lệ sử dụng kháng sinh không hợp lý, giảm số lượt sử dụng kháng sinh, giảm ngày điều trị, chi phí điều trị, giảm tỉ lệ mang gen kháng thuốc và tình hình nhiễm khuẩn BV.

Ngoài ra, hạng mục Kiến tạo còn trao cho 4 cá nhân xuất sắc:

  Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến 

BS. Nguyễn Minh Tiến - Trưởng Khoa Hồi Sức Tích Cực – Chống Độc (BV Nhi đồng 1 TP HCM) với “Kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị bệnh tay chân miệng biến chứng nặng và trong suy đa cơ quan do ong đốt”. Kỹ thuật này triển khai đầu tiên tại Việt Nam, là kỹ thuật tiên tiếng chưa có quốc gia nào thực hiện tại thời điểm nghiên cứu, năm 2011. Được chuyển giao, chia sẻ cho hàng loạt BV trên cả nước và các nước Đông Nam Á.

TS. Phạm Văn Phúc - Phó Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ĐH Tự nhiên TP.HCM, Phó chủ tịch Hội tế bào gốc TP.HCM với công trình “Nghiên cứu chế tạo Kit tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu ứng dụng trong điều trị bệnh”. 

  TS Phạm Văn Phúc 

Đây là hai bộ Kit đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu thành công và cũng là bộ Kit thứ 5 trên thế giới (tại thời điểm nghiên cứu 2012) sau các Kit của Mỹ, Úc và đã được Bộ y tế cấp chứng nhận lưu hành. Ứng dụng điều trị bệnh thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính, trong thẩm mỹ; chính thức đưa Việt Nam vào sân chơi tế bào gốc của quốc tế, việc ứng dụng tế bào gốc trở nên rộng rãi hơn cho nhiều bệnh không thuộc hệ máu, không chỉ giới hạn ở các BV huyết học mà trên nhiều BV khác. Ngoài ra, giá thành rẻ hơn từ ½ đến 2/3 so với sản phẩm nhập ngoại cũng là một trong những ưu điểm của hai bộ Kit này.

PGS.TS Đống Thị Anh Đào - Giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế biến thực phẩm từ rong sụn Kappaphycus Alvarezii và sản phảm nước uống từ rong Porphyra. Nhận thấy lãng phí lớn trong việc xuất khẩu rong sụn thô, PGS – TS Đống Thị Anh Đào đã nghiên cứu hoàn thiện các quy trình sản xuất: kẹo gelly, mứt rong khô, mứt jam, rong muối gia vị, nước ép trái cây…. Được chế biến kết hợp với các loại rau quả phổ biến của tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt là loại sản phẩm mới nước rong porphyra.

Lão nông 85 tuổi Đinh Công Viên (Hà Nam). Dù chưa qua trường lớp đào tạo, tuổi cao sức yếu và hoàn cảnh khó khăn nhưng ông luôn miệt mài sáng chế các loại máy nông nghiệp, đặc biệt là chiếc máy đa năng "5 trong 1": vò lúa, vò đậu tương, vò đậu xanh, tuốt lạc, đập rễ ngô và nhiều công dụng phụ khác. Tuy chưa mang lại đột phá to lớn, nhưng bác Viên tiêu biểu cho tinh thần vượt khó, tìm tòi nghiên cứu của người nông dân Việt Nam, phù hợp với tinh thần nhân văn, khích lệ của giải thưởng.


 
 Giải thưởng KOVA trao cho các gương Sống đẹp

Hạng mục Sống đẹp, trao cho 2 tập thể  và 4 cá nhân

Giải được trao tặng cho Tập thể Đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146, Vùng 4, Quân chủng Hải quân) và Thiếu tá Lê Minh Phúc (Học viện Hải quân): là những cá nhân/ tập thể tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

 Thiếu tá Lê Minh Phúc (thứ hai, bên phải) cùng đại diện tập thể Đảo Trường Sa nhận giải thưởng Sống Đẹp 

Gần 20 năm trong quân ngũ, Thiếu tá Lê Minh Phúc lập nhiều thành tích, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, năm 2014, tàu kiểm ngư KN22 do thiếu tá Phúc làm thuyền trưởng đã tổ chức 168 lần vào tiếp cận, đấu tranh tuyên truyền, phản đối, ngăn cản, xua đuổi dàn khoan HD – 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu bị phun nước, đâm và, húc mũi bị hư hại. 

Dù bị thương nặng, tay trái bị đứt động mạch chính nhưng anh vẫn xin ở lại để tiếp tục chỉ huy tài và trở thành nguồn cổ vũ, động viên tư tưởng lớn cho các đồng đội, giữ vững ý chí chiến đấu cho toàn tàu.

Với những việc làm đặc thù, mang tính nguy hiểm như: chăm sóc rắn, góp phần bảo tồn các loài rắn độc có nguy cơ bị tuyệt chủng, các chị em Hội Phụ nữ Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (Cục Hậu cần/ Quân khu 9) cũng được trao giải ở hạng mục Sống đẹp. Các chị còn tham gia nuôi trồng cây con, nghiên cứu dược liệu, làm du lịch… Gần 20 năm nay, Trung tâm  cấp cứu điều trị hơn 15.000 trường hợp rắn cắn với tỉ lệ cứu sống 100% và thường xuyên miễn tiền viện phí cho các bệnh nhân nghèo.

Nhà báo Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM - Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ từ thiện Tình thương, đồng sáng lập chuỗi quán cơm 2.000 Nụ Cười. 

Tuy chỉ 2000 đồng/suất nhưng đầy đủ các món, đỡ gánh nhọc nhằn cho người nghèo. Cùng các thành viên quỹ từ thiện tình thương và các mạnh thường quân, đến nay đã có 8 chi nhánh của quán cơm Nụ Cười mang đến hơn 1 triệu suất cơm giá rẻ dành cho người chạy xe ôm, bán vé số, nhặt ve chai, bệnh nhân, sinh viên nghèo. Hàng tuần quán còn tổ chức Ngày thứ 5 hạnh phúc bán phở, hủ tiếu với giá 1000 đồng/phần. Đây là mức giá tượng trưng để người nghèo đến quán không mặc cảm. Ngoài cơm 2000, vài chi nhánh của quán còn bán thêm sách, quần áo cũ cũng mức giá 2000 đồng ; dạy kỹ năng sống cho trẻ em nghèo.

Cô Đào Thị Biểu – Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.

Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng với lòng nhiệt tình và uy tín lâu năm, bà tham gia lãnh đạo và vận động thực hiện nhiều chương trình xã hội từ thiện ý nghĩa như :

Phẫu thuật miễn phí cho 15.000 người nghèo với tổng giá trị 24 tỉ đồng ? Hỗ trợ 805 ca phẫu thuật và cấp 4700 chiếc xe lăn cho người khuyết tật ? Phát hàng triệu cơm, cháo hỗ trợ xây hơn 400 trăm căn nhà tình thương ; tổ chức cho bà con nghèo khám chữa bệnh ( 250.000 lượt tổng trị giá hơn 47 tỉ đồng).

 Nhạc sĩ Hà Chương biểu diễn tại lễ trao giải

Nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương, người đạt nhiều thành tích âm nhạc và truyền cảm hứng, động lực lớn cho những người cùng cảnh ngộ vượt qua số phận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới