Chùm ảnh di cốt người niên đại 10.000 năm vừa được khai quật ở Hà Nam

(PLO)- 3 mộ táng với di cốt trẻ em và người trưởng thành, niên đại khoảng 10.000 năm vừa được phát hiện ở vùng lõi danh thắng Tam Chúc, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Di cốt người niên đại 10.000 năm vừa được khai quật ở Hà Nam

Hội thảo khoa học Thông báo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 58 đang được tổ chức tại Hà Nam đã công bố những khám phá mới nhất của các nhà khảo cổ học Việt Nam

Một trong những công bố đáng chú ý đến từ đoàn nghiên cứu, khảo sát, khai quật tại hang Đội 4, nằm trong vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

2.JPG

Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học phối hợp với cơ quan chuyên môn tỉnh Hà Nam và một số đơn vị tiến hành khảo sát thực hiện vào tháng 3-2023, nhưng nay mới công bố kết quả nghiên cứu.

Tại di chỉ này, các nhà khảo cổ đã phát hiện 3 mộ táng của trẻ em và người trưởng thành, trong đó có mộ cải táng và mộ song táng. Mộ song táng được phát hiện dưới hình thức người đàn ông đang ôm em bé, trong tư thế nằm co bó gối.

3.JPG

Điểm đặc biệt ở di chỉ này là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khảo cổ phát hiện được di cốt người có lịch sử cách ngày nay khoảng 10.000 năm.

Quá trình khảo cổ, đoàn cũng phát hiện di tích động vật như vỏ nhuyễn thể, xương răng động vật với số lượng đáng kể.

Đa số di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều là các loài thú nhỏ và được nhóm nghiên cứu nhận định là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ vùng Hà Nam.

Trong hố khai quật còn xuất hiện công cụ đá của người xưa, với những đặc điểm về loại hình và kỹ thuật thuộc nền Văn hóa Hòa Bình.

1.JPG

Trong ngôn ngữ khảo cổ, Văn hóa Hòa Bình thuộc về thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới, kéo dài từ 15.000 năm trước đến 2.000 năm trước Công Nguyên, trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Tây châu thổ ba con sông lớn vùng Bắc bộ Việt Nam, với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Di chỉ khảo cổ hang Đội 4 chỉ là một phần trong nhiều di tích, dấu tích mà Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng tỉnh Hà Nam tổ chức điều tra, điền dã, khảo sát trên địa bàn.

4.JPG

Trong năm 2021-2022, hoạt động này đã phát hiện và nhận diện trên 20 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật. Riêng vùng lõi quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã phát hiện 11 hang động, mái đá rất có giá trị về khảo cổ thuộc nền Văn hóa Hòa Bình và muộn hơn là Văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa cổ đã xuất hiện vào khoảng năm 800 trước Công Nguyên, ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ.

5.JPG

Đây là những phát hiện quan trọng, chìa khóa cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từng bước giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa vùng đất Tam Chúc – Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm