Nhiều căn hộ chung cư có giá tiền cao hơn gần 500 triệu đồng so với mức trần vẫn được rao bán kèm lời mời gọi: “Được vay gói hỗ trợ về nhà ở”, gói 30.000 tỉ đồng.
Từ lời rao này, chúng tôi tìm đến một sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Đây là sàn giao dịch BĐS Tiên Phong của Công ty Cổ phần Dịch vụ BĐS Tiên Phong, nơi đang chào bán chung cư BMM ở khu đô thị Xa La (quận Hà Đông). Tại đây, nhân viên môi giới tên PTA giới thiệu một căn hộ 84 m2 với giá gần 1,5 tỉ đồng (tức gần 18 triệu đồng/m2). “Đây là giá gốc. Khách hàng mua thẳng với chủ đầu tư là Công ty Sản xuất Thương mại BMM. Nếu chị có nhu cầu vay tiền mua nhà thì có thể được vay trong gói hỗ trợ mua nhà 30.000 tỉ đồng” - A. nói.
Chiêu “chẻ hợp đồng”
Chúng tôi tỏ vẻ e ngại và nói: “Chị nghe nói chỉ những căn hộ trị giá dưới 1,05 tỉ đồng (khống chế giá tối đa 15 triệu đồng/m2 và diện tích tối đa 70 m2 - NV) mới được vay ưu đãi (lãi suất 5% trong suốt thời gian vay, nếu vay thông thường lãi suất sẽ cao gấp đôi - NV). Chung cư BMM được giới thiệu là chung cư cao cấp, có số tiền vượt nhiều so với mức trần trên mà”. Nghe vậy, A. giải thích hợp đồng mua nhà sẽ được làm với giá trị 1,05 tỉ đồng để tạo điều kiện cho người mua nhà.
Cụ thể, A. nói đây là việc tách thành nhiều hợp đồng song tổng số tiền người mua trả cho căn hộ vẫn là gần 1,5 tỉ đồng. A. cho hay nhiều người mua nhà ở chung cư BMM đã được vay tiền theo cách này. “Làm như vậy vừa giúp khách hàng mua được nhà, vừa tạo thuận lợi cho chủ đầu tư bán được hàng. Sau khi xem căn hộ, nếu chị đồng ý thì bổ sung hồ sơ, thực hiện các bước tiếp theo để làm hợp đồng mua bán nhà và vay vốn ưu đãi ở ngân hàng” - A. nói.
Căn hộ chung cư BMM đang được rao bán kèm theo điều kiện được vay gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG VÂN
Cũng trong vai một người mua nhà, tôi đến văn phòng Công ty BMM thì được nhân viên công ty này cho biết với căn hộ như trên, công ty sẽ làm hợp đồng với giá dưới 1,05 tỉ đồng để khách hàng có thể vay gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất. Tuy vậy, khi người viết xưng danh là PV, đi tìm hiểu thực tế thì vị tổng giám đốc sàn giao dịch BĐS Tiên Phong lại cho biết người mua căn hộ BMM nay không còn được chủ đầu tư ký hợp đồng hạ thấp giá bán căn hộ để được vay gói 30.000 tỉ đồng như trước đây. Việc nhân viên môi giới A. tư vấn như trên là do người này mới vào công ty, đã không biết được điều này.
Liên lạc với ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc Công ty BMM thì ông Bằng chỉ nói ngắn gọn “đang ở nước ngoài”.
Người có nhu cầu thật sự bị giảm cơ hội
Theo tìm hiểu của PV, việc lách luật để vay ưu đãi đang được thực hiện bằng nhiều cách. Đó là việc tách thành hợp đồng (chính) xây thô với giá dưới 1,05 tỉ đồng và hợp đồng hoàn thiện. Bà Nguyễn Thị Khánh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn cho biết vừa ký hợp đồng mua căn hộ tại chung cư CT12 Văn Phú (Hà Đông) của Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ Đình với tổng giá trị gần 1,2 tỉ đồng. Tuy vậy, giá ghi trên hợp đồng mua nhà chỉ là gần 600 triệu đồng và phần còn lại là gần 600 triệu đồng lại được nộp cho sàn giao dịch BĐS VIC Land, gọi là chi phí “tư vấn, môi giới”. Nhưng phần lớn số tiền “tư vấn, môi giới” là nộp cho chủ đầu tư, còn chi phí tư vấn chỉ vài chục triệu đồng/căn hộ.
Bà Khánh cho hay thông qua việc chẻ hợp đồng trên bà được vay tiền ở 400 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để gia đình bà quyết định mua căn hộ này. Theo ông Đỗ Duy Điền - Tổng Giám đốc Công ty Hạ Đình, khách hàng vay tiền như thế nào là việc của ngân hàng, công ty không quan tâm. Hiện căn hộ chung cư CT12 Văn Phú cũng đã được bán hết.
Ông Luk Ba La, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Khang, cho rằng khả năng ngân hàng thu hồi vốn cho vay trong các trường hợp trên không nhiều. Bởi các thủ tục giấy tờ để vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. “Trong trường hợp này, người có lợi là người mua và doanh nghiệp thì bán được hàng. Tuy nhiên, đây là một kẽ hở của chính sách” - ông Luk Ba La nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thì cho rằng theo các nguyên tắc tín dụng, việc lách luật là không thể chấp nhận được. Đây là các căn hộ cao cấp, vượt ngoài mức trần khống chế. Vì vậy người mua nhà không phải là những người thuộc thu nhập thấp (chính sách đang hỗ trợ). “Đương nhiên nếu những người không đúng đối tượng được mua thì sẽ làm mất đi các cơ hội của những người đáng ra được mua...” - TS Hiếu nói.
Theo TS Hiếu, hoạt động tín dụng được làm khá chặt chẽ, không dễ dàng gì các chủ đầu tư qua mặt được ngân hàng. Do vậy, khả năng ngân hàng không can dự vào là khá hạn hữu và việc lách luật trên cũng phải có sự cộng tác của một số cán bộ ngân hàng nữa mới có thể làm được.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết Thanh tra Bộ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra để xác định những đơn vị cụ thể đã cho vay gói ưu đãi và có xử lý cụ thể nếu sai phạm. _________________________________ Kiểm tra quy trình cho vay, giải ngân Bộ Xây dựng đã có công văn kiến nghị UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước phối hợp rà soát kiểm tra lại quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay, đảm bảo đủ điều kiện, đúng đối tượng theo quy định. Tại TP.HCM chúng tôi đã có kiểm tra, rà soát lại quy trình, tuy nhiên không thấy có tình trạng này. Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Chính sách bị lợi dụng Đến thời điểm này, ở TP.HCM không xảy ra tình trạng tách hợp đồng xây thuê với giá dưới 1,05 tỉ đồng để đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng. Việc chia ra hợp đồng hoàn thiện căn hộ cũng chưa thấy xảy ra ở TP.HCM. Có thể nói đây là kẽ hở chính sách đang bị lợi dụng. Chính sách của Chính phủ là đúng đắn, tạo điều kiện thuận tiện cho cán bộ, công nhân, viên chức, người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà. Cần sớm loại bỏ kẽ hở để người có nhu cầu thật sự được mua. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM |