Nếu Viettel là lò đào tạo tiếp nối truyền thống của Thể Công ngày nào sau khi có mặt bằng trẻ ổn định đã xác định đá dần lên chuyên nghiệp thì PVF lại chưa có ý định tìm sân lớn hơn cho cầu thủ trẻ.
Trong khi bóng đá chuyên nghiệp nhiều CLB chỉ làm phần ngọn và thở bằng mũi của nhà tài trợ hoặc có đội cứ kiếm nguồn sữa mỗi năm thì Viettel và PVF lại được ví von là “xài không hết”.
Viettel nhất định sẽ không lấy lại cái tên Thể Công bởi Viettel cũng là thương hiệu lớn và xác định bóng đá chuyên nghiệp Viettel sau này sẽ phát triển từ thương hiệu đấy. Đó là cách làm mà nhiều CLB nước ngoài đã sống và phát triển mà ngày đầu học làm bóng đá chuyên nghiệp các quan chức VFF đã được dạy nên xây chuyên nghiệp từ nền tảng đấy.
Vì thế có thể nói Viettel là đội chuyên nghiệp ở tương lai khi bây giờ họ đang đi đúng hướng và rất bài bản.
PVF lại là lò đào tạo không cần đầu ra. Nói như giới bóng đá là đào tạo lấy tiếng và ngay cái cách họ tuyển HLV cũng là lấy tiếng khi phải chuẩn cựu tuyển thủ quốc gia và không tì vết. PVF hằng năm chi cho bóng đá trẻ mà họ đào tạo còn cao hơn cả các CLB chuyên nghiệp chi cho đội bóng của mình. Đến giờ thì lứa cầu thủ lớn nhất của lò PVF đã có thể đá giải U-19 nhưng xác định đầu ra thì... vẫn còn để đấy. Họ không tính chuyện đá chuyên nghiệp và cũng chưa tính đến chuyện có cầu thủ trẻ thật xịn và vô địch các lứa tuổi rồi sẽ “bán”. Thậm chí còn có ý kiến nói rằng nếu có “bán” thì PVF sẽ bán với giá tượng trưng để giữ cái tiếng cho PVF đào tạo và phát triển tài năng trẻ bóng đá chứ không phải để kinh doanh.
Viettel làm kinh tế rất tốt và đầu tư cho bóng đá chỉ là một kênh. PVF là “con” của một tập đoàn lớn nên chuyện đào tạo rồi “cho” hoặc “bán” rẻ cũng chỉ là chuyện rất nhỏ.
Hy vọng là từ nền tảng này các cầu thủ trẻ sẽ có đầu ra và có sự chắc chắn trong sự nghiệp cầu thủ của mình sau giai đoạn đầu may mắn được đào tạo và sống trong môi trường tốt.
NGUYỄN HUY