Chứng khoán bật dậy làm “ấm” bất động sản

Các chuyên gia cho rằng chứng khoán đã giúp nền kinh tế trở nên có sức sống trở lại, khi dòng tiền chuyển động. Và sau chứng khoán sẽ là thị trường bất động sản.

Sau những cơn sốt nóng hổi của thị trường chứng khoán (TTCK) những năm 2007, đến nay gần bảy năm và lần đầu tiên TTCK đã quay lại với những cơn sóng bão táp khi liên tục đạt đỉnh từ đầu năm đến nay. Cụ thể ngày 27-2, giá trị giao dịch trên sàn HOSE lên tới gần 3.500 tỉ đồng, đây là mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam. Thanh khoản của cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM được cải thiện đáng kể. Nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường nhiều năm nay đã quay lại thị trường với đầy hy vọng. Chưa dừng lại ở đó, ngày 17-3, TTCK chứng kiến cơn lốc khi đạt đến ngưỡng không tưởng 600 điểm, vượt khỏi dự báo của nhiều chuyên gia, tổ chức trước đó. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng chứng khoán đã bước vào chu kỳ mới và năm 2014 sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2014.

Năm yếu tố giúp chứng khoán đi theo đường thẳng đứng

Trong số đó những ngành cổ phiếu tăng mạnh so với đầu năm gồm: Dầu khí tăng 29%, dịch vụ tài chính 27%, công nghệ thông tin 25%, bất động sản (BĐS) 23%, xây dựng 20% trong khi ngành hóa chất và bán lẻ lại có mức tăng thấp. Riêng giá cổ phiếu ngành du lịch và giải trí lại đi ngược xu hướng, giảm tới 10% so với đầu năm.

Mặc dù vậy so sánh tốc độ thì ngành BĐS và xây dựng tăng giá cổ phiếu cao nhất thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS dự báo vẫn chưa nhiều cải thiện thì việc tăng giá này đồng nghĩa với rủi ro cao.

Riêng với nhà đầu tư ngoại, trong hai tháng đầu năm khối ngoại mua hơn 2.858 tỉ đồng trên hai sàn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy TTCK trong thời gian qua tăng điểm mạnh mẽ chủ yếu nhờ lực đẩy của nhà đầu tư nội địa. Điều này thực sự là một tín hiệu khá bất ngờ trên thị trường vốn xem nhà đầu tư nước ngoài là một tác nhân quan trọng định hướng cho TTCK Việt Nam.

 
BĐS và xây dựng là hai ngành có tốc độ tăng giá cổ phiếu cao nhất thị trường. Trong bối cảnh thị trường BĐS đầu năm 2014 dự báo vẫn chưa nhiều cải thiện thì việc tăng giá này đồng nghĩa với rủi ro cao. Ảnh: HTD

Nhìn chung có năm yếu tố hỗ trợ cho TTCK tăng:

Thứ nhất, mặc dù về cơ bản kinh tế Việt Nam 2014 vẫn còn gặp một số khó khăn do đang trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu cải thiện tích cực và dự báo là sẽ khởi sắc hơn so với năm 2013. Nhất là khi kinh tế thế giới phục hồi hỗ trợ cho kinh tế và TTCK Việt Nam và điều này sẽ hỗ trợ tâm lý cho thị trường. Tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng hồi phục kinh tế trong năm 2014 và TTCK được xem là nơi đầu tiên để nhà đầu tư gửi gắm niềm tin đó.

Thứ hai, lạm phát năm 2014 dự báo vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, lãi suất huy động-cho vay hạ và tín dụng được các tổ chức tín dụng tích cực đẩy mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nguồn tiền gián tiếp chảy vào TTCK tăng mạnh.

Thứ tư, năm 2014 dự báo giá vàng và tỉ giá sẽ khá ổn định do đó dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang chứng khoán nhiều hơn.

Thứ năm, dự thảo về quy định tỉ lệ sở hữu của nước ngoài đối với các công ty niêm yết dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ giữa năm 2014. Theo đó, các công ty niêm yết sẽ tự quyết định tỉ lệ room cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua đại hội cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thay vì phải trình xin ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ hội đầu tư vào các công ty niêm yết, qua đó giúp thị trường giao dịch thanh khoản hơn. Đặc biệt việc các công ty chứng khoán “nới” hoạt động ký quỹ cũng là nhân tố quan trọng hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong thời gian vừa qua.

Sẽ khó dùng BĐS… để kích thích nền kinh tế

Tuy nhiên, cần thận trọng bởi nếu TTCK tăng nóng thì rủi ro cao. Bằng chứng trong tháng 1 khối ngoại mua ròng rất mạnh trên hai sàn nhưng bắt đầu từ tháng 2 lực mua bắt đầu giảm xen kẽ những phiên bán ra chốt lời. Trong khi đó VNIndex vẫn tiếp tục xu hướng tăng nóng. Điều này cho thấy tín hiệu TTCK đang tăng nóng và rủi ro đảo chiều là rất cao.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố bất lợi cho TTCK.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên sẽ thường xuyên xuất hiện những thông tin ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường. Nợ xấu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm sẽ khiến niềm tin của nhà đầu tư chưa thực sự ổn định. Đặc biệt, họ rất quan tâm đến tiến trình xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, mặc dù TTCK liên tục tăng mạnh trong hơn hai tháng đầu năm nhưng không dựa trên những vĩ mô hỗ trợ. Cụ thể, sức cầu trong dân vẫn còn yếu nên lạm phát tăng thấp và doanh thu bán lẻ tăng chậm, tỉ lệ tồn kho vẫn ở mức cao, tín dụng tiếp tục tăng trưởng âm. Hơn nữa các ngân hàng mặc dù giảm lãi suất nhưng vẫn rất khó giải ngân. Do đó việc tăng giá cổ phiếu từ đầu năm tới nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố đầu cơ nên sẽ không bền vững, áp lực đảo chiều là rất lớn.

Sẽ có đợt tăng mới nhưng khó đạt ngưỡng 600 điểm

Trong quý I, TTCK sẽ có xu hướng tăng mạnh nhưng càng về cuối quý thì lực cầu sẽ có xu hướng sụt giảm do các yếu tố kích thích thị trường như tăng trưởng BĐS, vốn ngoại sẽ không còn tác động. Một yếu tố khác khiến thị trường lo ngại là dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi do Mỹ giảm các gói kích thích kinh tế. Và Việt Nam vẫn đang bị xem là thị trường cận biên và dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK vẫn rất thấp so với một số nước khác trong khu vực.

Do đó động thái điều chỉnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ không ảnh hưởng lớn đến TTCK của Việt Nam trong năm nay. Dự báo trong quý II và quý III thị trường sẽ giao dịch quanh mức 550 do các yếu tố kỳ vọng đã phản ánh hết trong quý I và nền kinh tế vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc, có thể quay về mức 500 điểm. Trong giai đoạn cuối năm 2014, cùng với những tiến triển của nền kinh tế, TTCK sẽ có đợt tăng mới nhưng sẽ khó đạt qua mức 600 điểm của tháng 3 mà nhiều khả năng trong vùng 550 điểm.

TS ĐINH THẾ HIỂN

 

Ông ĐẶNG QUỐC TIẾN, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MB:

Hết tháng 5 chứng khoán sẽ giảm nhẹ

Chứng khoán bật dậy làm “ấm” bất động sản ảnh 2
 
Ngoài các yếu tố như lãi suất giảm; ngân hàng dư vốn khi huy động vốn được 10 nhưng cho vay chỉ 6-6,5 đã làm chứng khoán tăng điểm. Ngoài ra còn những lý do khác như hiện nay đang là mùa đại hội cổ đông của các công ty, chia cổ tức. Nên trên TTCK có những công ty có thể giá trị thấp nhưng khả năng lợi nhuận cao thì cổ phiếu vẫn lên. Nên ít nhiều dòng tiền đổ vào kênh lợi nhuận cao hơn là chứng khoán. Ngoài ra, nguyên nhân từ tâm lý tác động rất mạnh vào giá cổ phiếu. Khi cổ phiếu tăng, cùng với tâm lý bầy đàn nhiều người bắt đầu mua vào làm chứng khoán càng tăng. Chính vì tăng do yếu tố tâm lý, không do cung cầu thị trường, không có cơ sở nên mức tăng không bền vững. Cho nên chỉ cần qua tháng 4, hết tháng 5, qua mùa đại hội thì chứng khoán sẽ lại đứng hoặc giảm nhẹ chứ khó lên được nữa.

Việc tăng của TTCK chưa thể nói gì về sức khỏe nền kinh tế. Đến nay chứng khoán cũng chỉ là một kênh đầu tư chứ chưa có tác động đến các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nếu TTCK tiếp tục tăng lên thì chắc chắn BĐS sẽ ấm lên nhưng chỉ trong ngắn hạn. Bởi người ta nhanh chóng lấy tiền lợi nhuận từ chứng khoán để đổ vào BĐS. Còn lâu dài phải là do yếu tố cung cầu. Một số dự án BĐS có khả năng lên, một số mã chứng khoán BĐS tăng lên nhưng do tâm lý chứ sẽ tăng lên không nhiều. Tuy nhiên, chứng khoán vẫn sẽ là một kênh đầu tư sôi động của năm nay. Nhưng cần lưu ý rằng thị trường tiền tệ mới dành cho ngắn hạn còn TTCK là phải đầu tư dài hạn.

TS VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia tài chính:

BĐS sẽ sôi động ngay sau TTCK

Chứng khoán bật dậy làm “ấm” bất động sản ảnh 3
 
Việc TTCK tăng vọt lên 600 điểm không phải là đột biến, việc tăng cũng dựa trên đà tăng trưởng của năm ngoái. Và từ ít nhiều TTCK tăng suốt từ đầu năm đến giờ gần ba tháng rồi, còn có tiếp tục bền vững hay không lại là chuyện khác. Tuy nhiên, năm nay sẽ hứa hẹn kênh sinh lời cao nhất nhưng nhà đầu tư giờ đây đã thận trọng hơn nhiều. Do đó có những người mới chơi từ đầu năm đến nay đã kịp thoát hàng và kiếm một khoản không nhỏ. Và cũng đã có một số nhà đầu tư dù không nhiều đã lướt sóng thành, gom tiền lại để sở hữu BĐS. Nhờ mua chỗ này, bán đi mua chỗ khác, thị trường BĐS sẽ lại sôi động sau TTCK.

Ông TRƯƠNG HIỀN PHƯƠNG, Giám đốc Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM:

Cổ phiếu BĐS sẽ hồi sinh

Chứng khoán bật dậy làm “ấm” bất động sản ảnh 4
 
Hiện nay nhà đầu tư ngoại đang mở tài khoản rất nhiều ở Việt Nam, cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Sắp tới chúng ta có chính sách để thu hút các quỹ hưu trí, đây là dòng tiền dài hạn, lớn và ổn định. Cùng với đó các kênh đầu tư khác như vàng, BĐS... thanh khoản không còn cao, cùng với đó là các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đang hướng về các doanh nghiệp và ngân hàng... Và nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi chính sách cổ tức tốt từ phía doanh nghiệp và họ sẽ quan tâm nhiều đến TTCK.

Cụ thể, thời gian qua đã có những cổ phiếu (CP) tăng giá 100%-300%. Lý do tăng là do giá CP đó quá thấp so với giá trị thực: Chẳng hạn, một CP có giá trị sổ sách là 13.000-14.000 đồng nhưng trị giá chỉ 4.000-5.000 đồng. Những CP đó dần dần quay về với giá trị thực. Thứ hai, một số CP lúc trước có những thông tin rất xấu nhưng sau đó doanh nghiệp đã cải thiện được tình hình, họ đã bổ sung về kết quả kinh doanh tốt hơn. Những CP đó sẽ lên giá. Thứ ba, những CP bị làm giá nhưng nó có yếu tố đầu cơ sẽ đẩy giá CP đó lên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều CP đã đi quá xa giá trị thực của nó vì vậy CP này buộc phải quay lại giá trị thực nên không còn lý do để tăng mạnh như thời gian vừa qua. Nếu có chỉ xuất hiện lác đác trong vòng 10 CP trở lại. Tuy nhiên, nhiều CP đã rớt giá mạnh quá một nửa như BĐS và lĩnh vực này đang được Chính phủ quan tâm nhiều. Bởi vậy năm nay những CP này sẽ hồi sinh và tăng trưởng mạnh.

YÊN TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm