Chừng nào khép kín đường Vành đai 2?

Đường Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64,1 km có chức năng gánh số lượng lớn phương tiện giao thông đi qua khu vực TP.HCM mà không phải xuyên tâm TP. Đến nay sau hơn 10 năm, đường Vành đai 2 đã khép kín được 54,6 km. Tuần qua, tin từ Sở GTVT TP cho biết các nhà đầu tư đã điều chỉnh phân kỳ đầu tư phần đường Vành đai 2 còn lại ra làm bốn đoạn, dài khoảng 11,7 km với tổng mức đầu tư khoảng 12.540 tỉ đồng.

“Miếng ngon” làm trước

Bốn đoạn cụ thể đó là: Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao Bình Thái) dài 3,82 km, rộng 67 m; đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến ngã ba Linh Đông (đường Phạm Văn Đồng), quận Thủ Đức dài 2 km, rộng 67 m; đoạn 3 từ ngã ba Linh Đông (đường Phạm Văn Đồng) đến nút giao Gò Dưa dài 2,75 km, rộng 67 m; đoạn 4 từ nút giao thông An Lập (ngã ba Hồ Học Lãm, quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km, rộng 60 m. Hình thức đầu tư ở bốn đoạn Vành đai 2 này là BT đất (đổi đất lấy công trình cầu, đường).

Theo Sở GTVT TP, trong bốn đoạn cần khép kín trên các nhà đầu tư tỏ ra tập trung, mặn mòi với ba đoạn 1, 2 và 3 nằm ở phía Đông-Đông Bắc TP. Trong khi đoạn 4 ở cửa ngõ phía Tây nhà đầu tư chỉ muốn làm một phần 3,2 km/5,3 km. Vì sao có sự thiên lệch Đông, Tây như vậy?

Đến nay đường Vành đai 2 ở gần cầu Phú Hữu đã nối thông với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD). Dọc hai bên đường dẫn lên đường cao tốc HLD đã định hình các khu nhà ở cao cấp liền kề, biệt thự biệt lập và đường song hành cũng đang được thi công. Vì vậy nếu sớm nối được hơn 8,6 km của ba đoạn Vành đai 2 phía Đông-Đông Bắc này thì sẽ hình thành nên hai trục giao thông - đô thị rộng và sầm uất ở cửa ngõ Đông-Đông Bắc TP là Vành đai 2 - cao tốc HLD. Khi đó hai trục đường giao nhau là Vành đai 2 và đoạn dẫn lên cao tốc HLD trở thành đường đô thị với giá trị đất, nhà tăng ngày càng cao.

Sơ đồ đường Vành đai 2 và các vị trí sẽ khép kín trong thời gian tới. Đồ họa: HỒ TRANG

Một yếu tố khác là dọc hai bên ba đoạn Vành đai 2 ở phía Đông-Đông Bắc quỹ đất trống còn khá dồi dào; trong khi ở đoạn 4, nhất là từ ngã ba An Lập chạy theo đường Hồ Học Lãm xuống đến giao lộ Võ Văn Kiệt thì đã định hình rõ nét, ổn định nhà ở đô thị nên việc đền bù, giải tỏa cho đủ lộ giới 60 m là cực khó, cực lớn tiền.

Tại một hội nghị xúc tiến đầu tư hạ tầng mới đây, một nhà đầu tư thuộc loại lớn ở TP.HCM phát biểu: “Miếng nào ngon ta nên chọn ăn trước, còn miếng nào xương xẩu thì để đó, từ từ tính”. Điều này lý giải vì sao ba đoạn Vành đai 2 đang sôi động trong những ngày qua.

Đến nay TP.HCM vẫn chưa hoàn thành các đường Vành đai 2, Vành đai 3 nên xe cộ muốn đi - về giữa miền Tây và miền Đông vẫn phải đi xuyên tâm TP. Điều này làm cho giao thông trong nội đô TP phức tạp thêm và xe cộ đi chậm hơn.

Ông NGUYỄN NGỌC ĐÔNGThứ trưởng Bộ GTVT 

Cần có cam kết

Theo Sở GTVT TP, trước mắt các nhà đầu tư sẽ bắt tay thực hiện ba đoạn Vành đai 2 phía Đông-Đông Bắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều công trình BT cầu đường sau khi động thổ xong rồi để im đó, nhà đầu tư chỉ tập trung tài lực vào khai thác các miếng đất được giao. Chuyện làm đường đoạn 3 của Vành đai 2 là một ví dụ. Đoạn này được động thổ ngày 3-12-2015 nhưng phải gần một năm sau, ngày 25-11-2016, dự án BT này mới được ký kết giữa UBND TP với nhà đầu tư. Theo kế hoạch công bố lúc ký hợp đồng BT trên thì năm 2017 nhà đầu tư sẽ làm đường và sau 24 tháng thì xong. Nhưng mới đây thông tin từ Sở GTVT cho biết dự kiến đến cuối năm 2017 đoạn Vành đai 2 này mới được khởi công và đến sau năm 2020 mới hoàn thành.

Rõ ràng để sớm khép kín Vành đai 2 thì cần phải có cam kết (và cả chế tài) về tiến độ làm đường song song với khai thác đất dự án của nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước, TP.

Chủ bất động sản góp tiền làm đường

Rà lại danh sách các nhà đầu tư muốn làm bốn đoạn khép kín Vành đai 2 cho thấy họ phần lớn là các nhà đầu tư bất động sản hoặc nhà đầu tư đa ngành (bất động sản và thêm ngành xây dựng công trình). Hình thức đầu tư của họ ở bốn đoạn Vành đai 2 này là BT đất (đổi đất lấy công trình cầu, đường)…

Thời gian qua ở các tuyến đường song hành với đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoặc xây cầu qua đảo Kim Cương… đã có sự chung tay góp tiền cùng ngân sách làm công trình của các nhà đầu tư bất động sản hưởng lợi từ dự án cầu, đường. Theo Sở GTVT TP, với các đoạn Vành đai 2 thì các chủ đầu tư dự án bất động sản dọc tuyến cũng phải góp sức làm cầu, đường. “Khi tuyến vành đai hoàn chỉnh, khép kín thì giá trị của các dự án bất động sản cũng gia tăng theo. Do đó, chủ đầu tư cần góp tiền vào làm cầu, đường là điều tất nhiên chứ không thể ăn theo miễn phí như lâu nay” - một lãnh đạo Sở GTVT TP nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm