Chúng tôi đã làm gì sai?

(PLO)- Phải đi xin từng cái ăn, chết đói sau 55 ngày không có gì ăn, ... người dân Dải Gaza đang phải chịu đựng quá nhiều đau khổ mà không biết mình đã làm gì sai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bà Um Ihab từng có một căn nhà ở Jabalya (bắc Gaza, Palestine) với một khu vườn đầy cây ăn quả. Tại đó, những ngày cuối tuần, người thân của bà Um Ihab sẽ tụ họp tại nhà bà để chức tiệc sinh nhật hoặc lễ mừng tốt nghiệp đại học.

Vào những ngày đặc biệt như vậy, bà Um Ihab sẽ trang trí ngôi nhà bằng những dải cờ vàng và những quả bóng bay nhiều màu, theo đài CNN.

Tuy nhiên, một cuộc không kích của Israel vào mùa đông năm 2023 đã phá hủy ngôi nhà của bà. Giờ đây, hơn 30 thành viên của gia đình bà Ihab buộc phải rời khỏi Jabalya và đến sống trong một căn lều chật chội, trong sân của một khu trú ẩn ở Deir al-Balah (miền trung Gaza).

Người dân Gaza
Người dân giúp một phụ nữ lớn tuổi sơ tán khỏi TP Gaza (bắc Gaza) vào tháng 11-2023. Ảnh: ANADOLU AGENCY

“Đất đã bị cuốn trôi. Thậm chí không có một cái cây nào đứng vững được” – bà Ihab nói.

Hơn 6 tháng cuộc chiến xảy ra ở Gaza, các cuộc tấn công quân sự của Israel đã tàn phá các khu dân cư, làm cạn kiệt nguồn cung cấp thiết yếu và gây ra nạn đói trầm trọng. Nhiều người dân Gaza buộc phải ẩn náu trong các lều tạm.

Đối với những người dân Gaza lớn tuổi, họ đã trải qua nhiều năm sống trong dải đất bị phong tỏa. Giờ đây, cuộc xung đột càng khiến những người này cảm thấy khổ đau hơn. Một số người như bà Um Ihab đang cố gắng hết sức để đồng hành cùng gia đình, cổ vũ tinh thần của những người trẻ tuổi nhưng tuổi tác và sức khỏe kém khiến họ gần như bất lực.

"Chúng tôi chỉ yêu cầu ở mức tối thiểu"

Khi xung đột Israel-Hamas chạm mốc 6 tháng, các cơ quan quốc tế kêu gọi các bên trong xung đột ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Hồi tháng 3, tổ chức phi chính phủ Oxfam cáo buộc Israel thực hiện “các cuộc tấn công bừa bãi, không cân xứng, vi phạm luật pháp quốc tế” và áp đặt các hình phạt tập thể đối với dân thường Gaza. Israel chưa phản hồi về thông tin này.

Hồi tháng 2, tổ chức phi chính phủ HelpAge International cho biết khoảng 111.500 người lớn tuổi Gaza nằm trong số những người có nguy cơ đói, mất nước, bị bệnh tật, thương tích và tử vong cao nhất.

“Chúng tôi từng sống một cuộc sống đàng hoàng. Mọi thứ đều có sẵn. Nhưng bây giờ mọi thứ đã không còn nữa. Không có cây cối, không có nhà cửa. Con trai tôi đã mất nhà. Tôi đã mất nhà. Các con gái của tôi cũng đã mất nhà. Chẳng còn lại gì cả” – bà Ihab nói.

Vào thời điểm phóng viên CNN đến thăm, bà Um Ihab đang chơi với các cháu của mình trên sàn lều, hát những bài hát tuổi thơ bằng tiếng Ả Rập. Tại đây, những phụ nữ trong gia đình bà Ihab đang vỗ về những đứa trẻ khi tiếng máy bay không người lái của Israel kêu vù vù trên đầu.

“Bạn có thể thấy rõ thực tế của chúng tôi ở đây. Chúng tôi thức dậy mỗi ngày và nghĩ rằng đó là một giấc mơ. Chúng tôi không quen với điều này. Chúng tôi đã quen với việc sống tự lập. Chúng tôi không yêu cầu nhiều. Chúng tôi chỉ yêu cầu ở mức tối thiểu” – bà Ihab nói.

Theo Liên Hợp Quốc, cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã buộc ít nhất 1,7 triệu người ở dải đất này phải sơ tán. Họ phải sống trong những nơi trú ẩn tạm bợ và không có sự riêng tư. Những chiếc lều tạm được làm bằng những cột gỗ lớn, được che chắn bằng tấm nhựa mỏng.

03-um-ihab-screengrab.webp
Bà Um Ihab (thứ hai, bên trái) chờ lấy nước cùng với các cháu của mình. Ảnh: CNN

Nhiều người lớn tuổi phải ăn xin trên đường phố vì không thể tìm đủ thức ăn, nước uống hoặc sữa bột cho những trẻ sơ sinh trong gia đình. Trong khi đó, những em bé nhỏ phải ở trong nhà để không bị lạc do lượng người trong các trại tị nạn quá đông.

Nói về đứa cháu nhỏ đang chơi trong lều, bà Ihab cho biết: “Nếu thằng bé ở nhà tôi. Nó sẽ được đi dạo trong vườn. Đây là những đứa trẻ của tương lai. Thằng bé đã làm gì sai để bị thiếu tất cả thực phẩm thiết yếu như thế này chứ”.

"Nước mắt tôi đã cạn"

Những cuộc bắn phá của Israel đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng quan trọng của Gaza.

“Nước rất khan hiếm. Đó là một cuộc đấu tranh lớn, vượt xa những gì bạn có thể tưởng tượng. Chúng tôi hầu như không có đủ tiền để nuôi bọn trẻ. Nếu tôi cần một ổ bánh mì, tôi sẽ phải đi xin" – bà Ihab nói.

Súp đậu lăng thường là món duy nhất mà gia đình bà Ihab có thể mua được ở Deir al-Balah – nơi nguồn cung thực phẩm khan hiếm và giá cả tăng vọt. Bà Um Ihab cho biết hầu hết các ngày, gia đình không đủ tiền mua bữa tối.

Khi cúi xuống đống củi và khuấy nồi súp, bà Ihab nói với CNN: “Như bạn thấy, khi chúng tôi sử dụng gỗ, khói bay vào mắt chúng tôi và nước mắt chúng tôi rơi ngay lập tức”.

Theo CNN, người cao tuổi ở Gaza gặp nhiều khó khăn trong việc sống giữa điều kiện thiếu thốn hiện tại.

Chồng của bà Um Ihab trải qua những ngày cuối đời trong tình trạng đói khát, mất ngủ, đau đớn và kiệt sức.

Khoảng 12 năm trước, ông bị đột quỵ và cần được chăm sóc đặc biệt. Bà Um Ihab cho biết bà đã giúp sức khỏe chồng mình hồi phục bằng cách cho ông ăn thức ăn xay nhuyễn và đi dạo dưới ánh nắng.

Nhưng sau khi sơ tán, khả năng di chuyển của chồng bà Ihab tệ hơn, sau đó ông phải nằm liệt giường. Cơ thể ông sau đó bị loét, dẫn đến nhiễm trùng huyết. Cuối cùng ông đã chết trong lều vì suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

“Ông ấy đã trải qua 55 ngày không ăn gì. Ông ấy thường ăn thức ăn xay nhuyễn được chế biến bằng máy xay sinh tố. Chúng tôi phải sơ tán đến đây nên không có những thức ăn như vậy. Chồng tôi chết trong căn lều đó vì thiếu vệ sinh, thiếu điện. Ông ấy chết vì đói” – bà Ihab kể.

nguoi-gia-o-Gaza.webp
Bà Um Ihab. Ảnh: CNN

Trong nhiều tuần kể từ khi chồng qua đời, bà Um Ihab nói rằng bà bị cái chết của ông ám ảnh, dù có nhiều người đến chia buồn cùng gia đình bà.

“Mọi người đều đến tham dự tang lễ của ông ấy, bất chấp hoàn cảnh của họ. Chúng tôi buộc phải chôn ông ấy ở đây. Tôi ước gì ông ấy có một cái chết bình thường trong nhà của mình, chết trong danh dự. Cái chết của ông ấy là một nỗi đau trong lòng tôi. Nước mắt của tôi đã cạn vì chồng, vì các con tôi” – bà Ihab nói.

Trả lời CNN, các bác sĩ cho biết những người có bệnh nền như tiểu đường hoặc huyết áp cao ít có khả năng tiếp cận được thuốc uống, do các hạn chế nhập khẩu của Israel vào Gaza. Thiếu điện cũng khiến các máy móc hỗ trợ sức khỏe cho họ không hoạt động. Ngoài ra, người già ở Gaza cũng ít có khả năng truy cập Internet, khiến họ có thể bỏ lỡ các thông báo phân phối thực phẩm cứu trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm