'Chúng tôi không xin Chính phủ để được làm cái này, cái kia'

Trong buổi công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý IV và năm 2019 chiều 27-12, Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi liên quan tới việc rà soát GDP.

“Nguyên nhân của việc rà soát GDP là gì? Có phải là do Tổng cục Thống kê có những thứ không làm được và có những thứ… không được làm hay không?” - phóng viên đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói rằng: Do quy trình biên soạn GDP có thể chưa phản ánh đầy đủ quy mô của nền kinh tế. Bởi vậy, theo thông lệ thì cứ năm năm Việt Nam cũng như các nước sẽ tiến hành tổng điều tra.

Tổng cục Thống kê giai đoạn 2011-2018 đã tiến hành nhiều cuộc tổng điều tra theo chuyên ngành. Ngoài ra, dữ liệu hành chính từ cơ quan thuế, các bộ, ngành cũng là một nguồn để rà soát lại. Hơn nữa, thống kê thì phải trải qua ba vòng đánh giá.

Ông Nguyễn Bích Lâm nói Tổng cục Thống kê luôn độc lập, khách quan. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Tổng cục Thống kê không phải không làm được mà muốn làm phải làm có thời điểm. Lần đầu tiên làm là năm 2012-2013, đánh giá lại quy mô ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và nhà ở, kinh doanh bất động sản. Còn giai đoạn 2018-2019 thì đánh giá đầy đủ tất cả ngành kinh tế” - ông Lâm giải thích.

Vẫn theo ông Lâm, thống kê là hoạt động hoàn toàn độc lập, hoạt động theo Luật Thống kê. Mặc dù trong tổ chức hành chính thì Tổng cục Thống kê nằm trong Bộ KH&ĐT nhưng nghiệp vụ thống kê thì hoàn toàn độc lập.

“Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, các đơn vị liên quan và cả Chính phủ cũng không can thiệp vào nghiệp vụ thống kê” - ông Lâm khẳng định.

Theo ông Lâm, Tổng cục Thống kê phải giữ tính độc lập, khách quan, đúng ngày đúng giờ mới công bố. “Cụ thể chiều nay, 13 giờ 30 chúng tôi họp báo, thì đúng 13 giờ chúng tôi mới mang báo cáo gửi cho Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Cho nên tôi đảm bảo tính độc lập, khách quan của Tổng cục Thống kê. Chúng tôi làm theo luật và theo chuyên môn nghiệp vụ, chứ không phải chúng tôi xin phép Chính phủ được làm cái này hay làm cái kia” - ông Lâm nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng khẳng định khi rà soát lại GDP thì đã đánh giá lại các chỉ tiêu, gửi đánh giá GRDP cho các địa phương để xây dựng văn kiện phục vụ đại hội các cấp tới đây.

Số liệu được công bố cho thấy GDP năm 2019 đạt tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra 6,6%-6,8%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay là tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Một chỉ số đáng chú ý khác là: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước ở lĩnh vực xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỉ USD, mức cao nhất trong bốn năm liên tiếp xuất siêu.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong ba năm. Tuy vậy, ông Lâm nói giữ được tỉ lệ lạm phát này trong năm 2020 là “rất khó khăn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm