Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa tổ chức công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III-2019 và chín tháng đầu năm. Báo chí đặt câu hỏi về việc từ giữa tháng 8-2019, TCTK đã bắt đầu rà soát lại quy mô GDP thì khi nào TCTK sẽ công bố.
Đánh giá lại GDP là công việc thường xuyên
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho hay: Khi phát hiện ra đánh giá quy mô GDP thiếu thì phải kịp thời bổ sung. Hằng quý TCTK đều làm điều tra mẫu, bảo đảm phản ánh xu hướng tăng trưởng nền kinh tế hơn là quy mô.
“Khi công bố thì sẽ làm rõ quy mô và tốc độ GDP tăng bao nhiêu” - ông Lâm nói và cho hay hiện nay, các công tác cho việc công bố này đã hoàn thiện. Chẳng hạn như việc làm báo cáo đánh giá, công tác truyền thông.
“Lẽ ra chúng tôi công bố ngày 12-9 nhưng bộ trưởng Bộ KH&ĐT đi nước ngoài làm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, muốn nghe thêm công tác chuẩn bị báo cáo. Chúng tôi tin là thời gian tới sẽ có công bố đánh giá lại quy mô GDP” - ông Lâm khẳng định.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm (giữa) hôm 28-9 tin rằng việc công bố kết quả rà soát lại GDP sẽ được tiến hành sớm.
Giải thích thêm, ông Lâm nói rà soát, đánh giá lại GDP là công việc thường xuyên của ngành thống kê. Khi có thông tin đầy đủ về các cuộc điều tra thì đều có thể đánh giá lại. Các nước phát triển như Mỹ, các nước đang phát triển, các nước đang chuyển đổi đều đánh giá lại. Trung Quốc trong những năm gần đây đánh giá lại GDP ba lần. Việt Nam 11 năm qua đánh giá lại hai lần.
“Đánh giá quy mô GDP là việc thường xuyên” - ông Lâm khẳng định lại và cho hay những bất cập trong thu thập dữ liệu cần phải khắc phục. Còn về khu vực kinh tế chưa được quan sát thì các nước đều tính toán. Có nước thực hiện tính toán nhưng không công bố. Nhiều nước không thực hiện là vì cho rằng kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp là rất khó đánh giá.
“Việc đánh giá lại quy mô GDP là khác với việc tính toán kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp…” - ông Lâm giải thích.
Dựa vào đâu để đánh giá lại GDP?
Tìm hiểu của PLO, việc rà soát lại GDP của TCTK dựa trên năm cơ sở.
Thứ nhất là tổng điều tra kinh tế năm 2017. Tổng điều tra này bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp vào danh mục doanh nghiệp, tương ứng doanh thu trên 2,4 triệu tỉ đồng so với danh mục điều tra doanh nghiệp năm 2016. Tương tự, số cơ sở, hộ cá thể kinh doanh cũng bổ sung thêm 306.000, tương ứng với doanh thu 99.000 tỉ đồng so với danh mục điều tra năm 2016.
Thứ hai là rà soát lại hồ sơ hành chính, đối chiếu kết quả tổng điều tra kinh tế 2017 và dữ liệu cơ quan thuế đã bổ sung thêm 12.000 doanh nghiệp không có trong danh sách tổng thể của cơ quan thống kê, tương ứng doanh thu khoảng 278.000 tỉ đồng. Tổng điều tra này còn khai thác hồ sơ hành chính của hai bộ khác và bổ sung 146 doanh nghiệp, tương ứng doanh thu 264.000 tỉ đồng. Ngoài ra còn gần 17.000 đơn vị hành chính, sự nghiệp cũng được bổ sung và doanh thu tương ứng khoảng 109.000 tỉ đồng.
Thứ ba là lý luận mới về tài khoản quốc gia và cập nhật từ tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã bổ sung thêm các doanh nghiệp phần mềm, các doanh nghiệp R&D, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này. Số doanh thu tương ứng cũng tăng lên hàng chục ngàn tỉ đồng.
Thứ tư là việc rà soát, cập nhật phân ngành kinh tế. Vẫn dựa vào tổng điều tra kinh tế năm 2017 và rà soát lại các đơn vị sự nghiệp, thì đã có thêm 200.000 tỉ đồng được phân bổ lại cho nền kinh tế. Các ngành khác khi rà soát lại cũng phát hiện ra đóng góp thêm cho nền kinh tế mỗi ngành hàng chục ngàn tỉ đồng.
Thứ năm là áp dụng cơ cấu kinh tế để biên soạn tài khoản quốc gia, trong đó có hệ số trung gian và hệ thống chỉ số giá. Tuy nhiên, việc cập nhật hai công cụ này lại làm giảm đi quy mô GDP khi chỉ số giá và bảng giá sản phẩm thay đổi.
Nếu đánh giá lại GDP như dự kiến thì quy mô GDP bình quân tăng thêm 24,5%/năm, tương ứng 935.000 tỉ đồng/năm, GDP bình quân đầu người đương nhiên cũng tăng lên. Nhưng hệ quả là các chỉ tiêu quan trọng của quốc gia cũng có sự thay đổi cơ bản.
12 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp sẽ thay đổi theo, đáng chú ý có tỉ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP sẽ giảm mạnh, tỉ lệ bội chi ngân sách cũng giảm theo và đương nhiên tỉ lệ nợ công so với GDP giai đoạn 2011-2017 cũng sẽ giảm.
Ngày 20-9, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên bế mạc Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Báo cáo để đại hội mừng, nếu đánh giá (đánh giá lại GDP - PV) như thế này thì đến năm 2017, GDP bình quân đầu người của chúng ta là 3.003 USD/người. Dự báo năm 2020 có hơn 3.700 USD/người. Quy mô nền kinh tế tăng khoảng 24%”. Phó Thủ tướng cũng nói việc đánh giá này chưa bao gồm các khu vực kinh tế chưa quan sát được, khu vực kinh tế phi chính thức, khu vực kinh tế ngầm, khu vực kinh tế bất hợp pháp, khu vực kinh tế tự cung tự cấp, hộ gia đình… |