Một báo cáo do Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố mới đây cho hay tính riêng thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam đã có quy mô khoảng 1 tỉ USD/năm.
Đáng chú ý từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành cà phê Việt đã chứng kiến nhiều sự thay đổi. Không ít cửa hàng đã phải tạm ngưng hoạt động, số khác thay đổi mô hình, đầu tư để “lột xác”.
Mô hình ki-ốt, co-working đang là xu hướng mới của thị trường cà phê.
Ảnh: THU HÀ
Tìm kiếm khách hàng mới
Ngay từ đầu năm 2021, thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) đón nhận thêm nhiều cửa hàng, thương hiệu cũng như mô hình cà phê mới. Gần đây nhất, Café Amazon - chuỗi cà phê hàng đầu tại Thái Lan đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư và hiện chuỗi này đã mở năm cửa hàng tại nước ta. Đặc biệt, nhận thấy tiềm năng phát triển còn lớn nên đại gia này có kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng trên khắp cả nước trong thời gian tới.
Không đứng ngoài cuộc, hồi tháng 1-2021, hai cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee tại Quảng Ninh và Nha Trang đồng loạt khai trương. Từ đó đến nay, bất chấp dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, thương hiệu này vẫn liên tục mở mới thêm 14 chi nhánh khác trên khắp cả nước. Ngoài ra, thị trường còn đón nhận nhiều quán cà phê mới của các thương hiệu đình đám như Starbucks, 3 Ông Bầu, The Coffee House, Highlands Coffee...
Điểm đáng chú ý là hàng loạt thương hiệu lớn mở rộng đầu tư tại những khu vực mới, thay vì tập trung ở trung tâm trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh. Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, trong một cuộc họp báo về kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam nhận định rằng sức mua của người tiêu dùng nội địa luôn hồi phục nhanh chóng sau mỗi đợt cao điểm dịch COVID-19. Vì vậy, các thương hiệu không nhất thiết phải đợi khách du lịch và chuyên gia nước ngoài quay lại, mà có thể thu hút thêm lượng khách mới trong nước để bù đắp. Chính vì thế doanh nghiệp cần thay đổi mình.
“Với Starbucks chúng tôi đã chọn việc mở mới cửa hàng ở các khu vực đông dân cư, thay vì bám trụ các quận trung tâm với giá thuê mặt bằng đắt đỏ làm chiến lược kinh doanh mới trong năm nay” - lãnh đạo Starbucks Việt Nam cho hay.
Bùng nổ “cửa hàng trong cửa hàng”
Cùng với việc mở rộng khu vực hoạt động và triển khai mô hình kinh doanh cửa hàng lưu động, nhiều thương hiệu còn tung ra các mô hình mới. Đơn cử như Phúc Long khai trương mô hình kinh doanh mới theo dạng ki-ốt bên trong một siêu thị VinMart.
Trước đó, mô hình này đã được thương hiệu cà phê 3 Ông Bầu áp dụng khi bắt tay hợp tác với hệ thống nhà hàng Ba Gác nhằm mục tiêu đạt 10.000 điểm bán sau hai năm. Tương tự, Cà-phê Guta cũng mở quầy ngay trước mặt tiền của siêu thị Co.opSmile. Việc hợp tác này nhằm mục đích giảm bớt chi phí thuê mặt bằng vào thời điểm khó khăn do dịch COVID-19.
Anh Đỗ Trung Kiên (quận Tân Bình, TP.HCM), chủ quán cà phê nhượng quyền mô hình Milano ki-ốt, cho biết: “Cà phê ki-ốt là lựa chọn hữu hiệu nhất trong thời đại dịch. Chúng vừa tiết kiệm diện tích, chi phí mở quán và phù hợp với đối tượng khách là dân văn phòng mua mang đi. Tuy nhiên, với loại hình này, người kinh doanh cần đặt ở vị trí đặc thù như gần các tòa nhà công sở, trường đại học để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng”.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận xét mô hình mà Phúc Long, Ông Bầu hay Guta đang thực hiện là mô hình “cửa hàng trong cửa hàng”. Đây là một dạng chia sẻ chi phí giữa các nhà kinh doanh và là xu hướng tất yếu của thị trường, mang lại lợi ích cho cả bên cho thuê, bên đi thuê và người tiêu dùng.
“Các thương hiệu cà phê sẽ ưu tiên chọn các đơn vị hợp tác có uy tín, hệ thống đủ lớn để có thể tận dụng lợi thế nền tảng khách hàng của nhau” - ông Quang phân tích.
Làn sóng mới trong làng cà phê
Cùng với mô hình cửa hàng trong cửa hàng, gần đây mô hình co-working (chia sẻ chung) cũng bắt đầu thổi làn gió mới trong thị trường đồ uống. Ví dụ, chuỗi đồ uống Phúc Long cho ra mắt mô hình kết hợp giữa không gian làm việc, phòng họp cá nhân với dịch vụ trà và cà phê ngay tại cửa hàng. Tại đây, khách hàng sử dụng dịch vụ có thể thuê văn phòng theo ngày, tuần hoặc tháng cùng với ưu đãi về các gói bánh và nước uống tại quán.
Mô hình này cũng được áp dụng ở nhiều hãng cà phê như Think in a Box, Artfolio Coworking Café, The Coffee House, Foglian Coffee… Trong đó, Starbucks Reserve được coi là điểm đến hút khách ngoại đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, khi họ có thể vừa đến đây để hàn thuyên, vừa làm việc, thậm chí họp nhóm nhân viên văn phòng.
Đánh giá về mô hình này, ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành chuỗi Pizza Home, cho rằng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, mô hình tích hợp như quán cà phê với co-working space (văn phòng chia sẻ) hay mô hình bếp trên mây (cloudkitchen) là một trong những xu hướng rất lớn được giới kinh doanh lựa chọn. Đây không phải là mô hình xa lạ nhưng được dự đoán sẽ trở thành làn gió mới trong thị trường kinh doanh ngành dịch vụ.
Mô hình văn phòng chia sẻ đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời đại công nghệ 4.0. Bởi có nhiều khách hàng không thích làm việc tại văn phòng mà muốn làm việc tại quán cà phê nhưng không gian phải có độ tĩnh nhất định. Mô hình này còn giúp các quán cà phê tối ưu hóa được doanh thu.
Tuy nhiên, ông Tùng nhận định ở mô hình co-working, doanh nghiệp sẽ phải tối ưu hóa được không gian của quán. “Thực tế nhiều quán cà phê hiếm khi sử dụng hết công suất mặt bằng thuê của mình. Vậy nên nếu sắp xếp được một khu vực riêng cho mô hình co-working cũng là một cách rất tốt để giữ chân khách hàng thích đến quán làm việc. Mô hình này cũng được đánh giá là có tiềm năng và phù hợp với nhóm khách ngoại tỉnh, khi họ kết hợp giữa đi du lịch và làm việc” - ông nói.
Hai xu hướng lớn trong thời gian tới Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành chuỗi Pizza Home, cho rằng có hai xu hướng lớn có thể phát triển tốt trong ngành thực phẩm và đồ uống. Đó là xu hướng tạo các không gian trải nghiệm, kiểu như cà phê kết hợp co-working. Đây là một trong những cách tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng. Xu hướng thứ hai là dịch chuyển lên các ứng dụng giao đồ ăn FoodApps như Grabfood, Now… Xu hướng này đang có tốc độ tăng trưởng cực lớn tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho những mô hình trong ngành thực phẩm và đồ uống mới như bếp trên mây (cloudkitchen) phát triển với dung lượng thị trường lên tới 1.000 tỉ USD toàn cầu và dự kiến sẽ thay đổi bộ mặt kinh doanh của ngành này. Tuy vậy, khi một xu hướng tiêu dùng mới được hình thành cũng đồng nghĩa với một cuộc chiến mới giành thị trường diễn ra khốc liệt. |