Ông lớn siêu thị ngoại thất thủ trước siêu thị Việt Nam

Thị trường Việt Nam (VN) đã đón nhận hàng loạt đại gia bán lẻ ngoại đến từ Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Dù được đánh giá có tiềm lực mạnh về vốn so với doanh nghiệp (DN) Việt, nhưng nhiều ông lớn ngoại vẫn thất thủ trên thị trường VN.

Thua lỗ, tháo chạy

Người Thái đã biết chọn đúng thời điểm để thâm nhập thị trường bán lẻ VN. Bằng các thương vụ mua bán và sáp nhập, các ông chủ Thái đã bỏ ra gần 2 tỉ USD để mua lại hai hệ thống siêu thị lớn là Big C từ tay Tập đoàn Casino của Pháp và Metro do người Đức quản lý với tổng cộng gần 50 siêu thị. Nhờ cách làm này, ngay lập tức đại gia Thái sở hữu chuỗi hệ thống siêu thị, thương hiệu mà các DN trước đó đã dầy công xây dựng.

Trong khi đó, người Hàn và người Nhật lại chọn cách tiếp cận đi chậm, thăm dò thị trường và từng bước một mở rộng chuỗi siêu thị. Chẳng hạn Lotte của Hàn Quốc đã mất hơn một thập niên để mở chuỗi nhưng hiện mới đạt hơn chục cái, trong khi Aeon của Nhật đang dừng chân ở con số bốn. Còn Emart là cái tên mới nhất đến từ Hàn Quốc.

Việc các đại gia ngoại tấn công vào thị trường bán lẻ Việt giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn, tạo ra sự cạnh tranh sôi động. Chị Uyên Phương, một nhân viên văn phòng ở quận 3, TP.HCM, cho biết thường xuyên thay đổi khẩu vị mua sắm. Bình thường chị mua hàng ở các siêu thị VN nhưng nếu thích hàng Thái, Nhật hay Hàn Quốc, chị có thể tìm đến bất kỳ siêu thị nào do các ông chủ ngoại đang nắm giữ là có đúng thứ mình cần. “Không chỉ ở siêu thị nội mà ở các siêu thị do DN nước ngoài nắm giữ, hàng hóa cũng rất đa dạng” - chị Phương nhận xét.

Tuy nhiên, với sự chen chân của các ông lớn ngoại và nội, thị trường bán lẻ không phải là một cuộc chơi đơn giản. Bằng chứng là nhiều đại gia bán lẻ phương Tây như Metro, Parkson, Auchan… chia tay VN vì đuối sức trong cạnh tranh với đối thủ. Cách đây sáu năm, Big C từng nằm trong tốp ba của thị trường với doanh thu trên 10.000 tỉ đồng/năm nhưng hai năm trở lại đây sau khi về tay người Thái, doanh thu đồng loạt đi xuống. Ví dụ, doanh thu của Big C An Lạc rơi từ mức 2.600 tỉ đồng năm 2012 xuống còn 1.300 tỉ đồng trong năm 2017, tức giảm tới 50%.

Đại gia bán lẻ Hàn Quốc là Lotte cũng không khấm khá hơn. Theo báo cáo tài chính năm 2019, Lotte lỗ 800 tỉ đồng, dù doanh thu đạt hàng ngàn tỉ đồng. Đặc biệt mới đây hệ thống siêu thị Auchan nổi tiếng của Pháp đã rút khỏi VN sau năm năm có mặt. Bà Vũ Thị Kim Nương, Giám đốc truyền thông Auchan VN, thừa nhận nguyên nhân khiến Auchan rút khỏi thị trường VN là do kết quả kinh doanh không đạt lợi nhuận, thua lỗ.

“Thị trường bán lẻ VN rất tiềm năng với dư địa bán lẻ hiện đại rất lớn. Tuy nhiên, nhiều DN lớn muốn giành vị trí dẫn đầu nên cạnh tranh khốc liệt và mức độ đào thải khủng khiếp” - ông Bod Hayward, đại diện Công ty KPMG, nhận xét. Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cho rằng một số tập đoàn bán lẻ nước ngoài rút khỏi thị trường VN do chưa tìm được mô hình và chiến lược phù hợp, dẫn đến tình hình kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ.

Các nhà bán lẻ nội như Saigon Co.op liên tục thay đổi để đáp ứng hành vi mua sắm thay đổi rất nhanh chóng của người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Cú lội ngược dòng của DN Việt

Sau một thời gian gặp khó trước sự tấn công của các đại gia bán lẻ ngoại, gần đây một số nhà bán lẻ Việt đã lội ngược dòng khá ngoạn mục. Đại gia bán lẻ Saigon Co.op vừa quyết định mua lại hệ thống siêu thị Auchan của Pháp gồm 18 siêu thị. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, nói một trong những cách cạnh tranh của đơn vị là mở rộng hệ thống chuỗi và liên tục tung ra các mô hình bán lẻ mới.

“Định hướng phát triển mạng lưới bán lẻ này là sẽ từng bước áp dụng công nghệ hiện đại phù hợp cho từng mô hình. Trong định hướng 5-10 năm tới, chúng tôi sẽ áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, đồng thời sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, chiến lược sản phẩm hữu cơ” - ông Dũng cho hay.

Gia nhập vào thị trường rất muộn, dưới bệ đỡ của Thế Giới Di Động nhưng chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh đã nhanh chóng đạt điểm hòa vốn vào năm 2018 và ngay quý I-2019 đã có lãi. Bách Hóa Xanh đã đi rất nhanh trong việc nâng quy mô chuỗi và đến thời điểm hiện nay đã đạt gần 700 cửa hàng. Điều này nhờ vào nguồn vốn tài chính bơm mạnh từ công ty mẹ và sự thấu hiểu ngành hàng bán lẻ.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, đơn vị sở hữu Bách Hóa Xanh, tiết lộ để cạnh tranh với các siêu thị khác, chiến lược của Bách Hóa Xanh là giành khách hàng từ các chợ truyền thống bằng việc luôn tìm nguồn hàng sạch và có nguồn gốc rõ ràng. “Do đó, hiện mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt lượng khách từ vài trăm cho đến cả ngàn khách hàng, kỳ vọng đến hết năm 2019 đạt doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng” - ông Tài nói.

Đáng chú ý, cuộc chơi siêu thị đang chuyển sang một hướng đi khác, đó là gia tăng sự trải nghiệm, bên cạnh các đòn đánh về giá nhằm tạo sự khác biệt với đối thủ. Bằng chứng rõ nhất là mới đây, siêu thị ảo “VinMart 4.0” của Tập đoàn Vingroup chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là mô hình siêu thị ảo đầu tiên xuất hiện tại VN. Với mô hình này, người tiêu dùng có thể mua hàng từ xa mà không phải tới trực tiếp siêu thị.

Nhiều chuyên gia nhận xét ở thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ VN đang cạnh tranh sòng phẳng so với đối thủ ngoại, thậm chí có phần chiếm ưu thế nhờ sự am hiểu sâu về thị hiếu, thói quen tiêu dùng. Đặc biệt, các nhà bán lẻ nội liên tục cải tiến để đáp ứng hành vi mua sắm thay đổi rất nhanh chóng của người tiêu dùng VN, đem đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới mẻ. Khi hệ thống siêu thị Việt lớn mạnh, người được lợi đầu tiên chính là các DN VN, bởi có một hệ thống phân phối cùng đồng hành xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt đến tay người Việt.

Miếng bánh thị trường bán lẻ rất lớn

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ VN sẽ đạt 180 tỉ USD vào năm 2020. Tốc độ thị trường bán lẻ tăng nhanh khi năm 2010 mới chỉ đạt 88 tỉ USD, năm 2017 tăng lên 130 tỉ USD.

Còn theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, dư địa của thị trường bán lẻ tại VN còn nhiều. VN vẫn là thị trường nổi bật, phần lớn là bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại với 24% thị phần đang có tốc độ tăng trưởng 11,8%; bán lẻ truyền thống chiếm 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%. Đến năm 2022, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên 44%. Do đó, cơ hội cho các DN bán lẻ vẫn còn nhiều. VN đang trong giai đoạn tốt của ngành bán lẻ.

TÚ UYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm