|
Ngày 2-7, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tổ chức buổi lễ khởi động chương trình “Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” lần thứ 6.
Đây là chương trình tầm soát miễn phí cho tất cả các trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng, từ đó có hướng điều trị kịp thời.
Chương trình khám miễn phí diễn ra từ ngày 25-6 đến ngày 17-7 vào các buổi sáng thứ Bảy, chủ Nhật hàng tuần (từ 8 giờ đến 12 giờ). Hiện tại, BV vẫn tiếp tục nhận đăng ký khám cho trẻ qua hotline 0983 369 597(8 giờ đến 17 giờ tất cả các ngày trong tuần) đến hết ngày 12-7. BV chỉ nhận tầm soát cho các trường hợp trẻ đã đăng ký qua hotline. Tính đến nay, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 1.700 trẻ và chẩn đoán được 140 trẻ thiếu hormone tăng trưởng.
|
BS CKI Trần Thị Ngọc Anh chia sẻ tại chương trình. Ảnh: HOÀNG LAN |
Theo các bác sĩ, thiếu GH là một rối loạn nội tiết phổ biến do cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ. Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao thấp hơn nhiều so với trung bình có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti. Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam... Một số trẻ thiếu GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỉ lệ cơ thể bình thường hoặc có thể thường xuyên thấy mệt mỏi, và các triệu chứng tâm lý khác như thiếu tập trung, trí nhớ kém…
Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.
Cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con mình ở mọi độ tuổi và đo chiều cao 3 tháng/lần cho trẻ nhỏ. Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến chiều cao của trẻ. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao.
|
Trẻ được thăm khám tầm soát ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhằm tìm ra nguyên nhân chậm tăng trưởng chiều cao. Ảnh: HOÀNG LAN |
BS CKI Trần Thị Ngọc Anh, điều trị tại khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương cho biết:“Nếu trẻ chậm cao do thiếu GH, việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Mục tiêu của điều trị thiếu GH là giúp trẻ tăng chiều cao càng gần mức bình thường càng tốt. Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm, có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Hiện tại, BV Nguyễn Tri Phương cũng đang điều trị cho khoảng hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH. Trẻ đáp ứng điều trị tốt có thể tăng từ 8-12cm/năm”.