Bị cáo là người trước đó đã từng nhận rất nhiều giấy khen về thành tích bắt cướp, còn người bị hại là một người lớn tuổi bị khiếm thính, tòa phải bố trí thêm thư ký và cựu chiến binh ngồi cạnh để “phiên dịch” và để bị hại bút đàm...
Hồ sơ vụ án đơn giản vầy: Năm 1996, gia đình bị cáo Nguyễn Minh Anh chuyển đến ở chung cư. Nhà bị cáo ở lầu một, ông S. ở lầu hai và cùng dùng chung nhà tắm tập thể. Từ khi nhà bị cáo mở quán nước, nhà tắm cũng bừa bộn theo. Cho rằng mình đã ở đây được 17 năm trước khi nhà bị cáo chuyển tới nên ông S. đã khóa cửa nhà tắm lại không cho dùng chung, nhiều lần phường và công an phải can thiệp. Ngày 26-2-2013, ông S. cắt luôn đường ống dẫn nước.
Tại tòa, bị cáo kể: “Bị cáo có con nhỏ, mẹ già mà không có nước xài. Hỏi thì ông tanói nhà tắm là của tao, tao cắt đó. Nhờ ủy ban can thiệp thì họ bảo gọi công an. Công an lại bảo mua ống nước về sửa”.
Thế rồi bữa ấy bị cáo cặm cụi sửa, ông S. không có nước dùng nên ra mở khóa, nước chảy văng tung tóe. Bị cáo ra khóa van nước, cảnh báo: “Mày mà còn mở ra tao đấm vào mặt mày”. Ông S. lại tiếp tục mở. Nói là làm, bị cáo đấm vào mặt ông S. Trong lúc xô xát, sẵn cái cưa để sửa ống nước trên tay, bị cáo đâm ông S. gây thương tật 13%.
Chủ tọa nhờ vị cựu chiến binh ghi ra giấy những câu hỏi của tòa để ông S. đọc. Tháo kính lão ra, ông nói to: “Nó cho khách của quán nó nôn mửa tôi mới khóa. Nhà tắm là của tôi, đang rửa nó lại khóa nên phải mở, thế là nó chém tôi”.
Tòa công bố văn bản cho thấy đây là nhà tắm các hộ được dùng chung nhưng ông không nghe được gì. Tòa nói: “Bị cáo phải khóa nước để sửa, vậy mà ông lại mở nước nên mâu thuẫn mới đỉnh điểm”. Ông bảo: “Ủy ban, công an họp bảo nó tháo dỡ ống nước không được dùng chung nhưng nó vẫn cứ để người ta vào làm bẩn”.
Tòa chốt lại: “Ông có thấy mình có lỗi không?”. Ông đáp: “Tôi không có lỗi. Nếu nó nghe công an, ủy ban mà tháo dỡ thì đã không có việc gì. Tại nó!”.
Cũng câu hỏi ấy, bị cáo trả lời như khóc: “Ngày trước tôi đi bắt cướp, phối hợp với công an chống tội phạm, nhà treo đầy giấy khen, vậy mà giờ lại ra nông nỗi này... Cũng tại tôi thiếu kiềm chế”.
Một hội thẩm phân tích: “May chỉ là thương tích nhẹ. Bị hại không nghe được, người khuyết tật về tâm lý sẽ có những biểu hiện bất thường, bị cáo phải hiểu chứ! Đứng trước tòa, bị cáo cứ một hai “ông ta”, bị hại thì gay gắt chưa thấy được sự bao dung, lối xóm với nhau như thế thì làm sao được!”.
Tòa nhận định bị cáo đã bồi thường cho nạn nhân, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, chưa tiền án tiền sự, từng tham gia truy quét tội phạm nên tòa tuyên phạt bị cáo một năm tù về tội cố ý gây thương tích và buộc bị cáo phải bồi thường cho ông S. gần 2 triệu đồng tiền thuốc men.
Người cựu chiến binh dự tòa thở dài: “Ông S. đã ngoài 60, sống đơn độc không người thân dẫn đến khó tính. Bị cáo chỉ ở tuổi con cháu mà xưng hô không giống người trẻ với người già. Có lẽ vì thế mà thành ra cớ sự…”.
NGÂN NGA