KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH

Chuyện buồn của 1 thanh niên ngờ nghệch

(PLO)- “Phải chi thằng Hùng nó tâm thần hẳn luôn thì đời nó đỡ khổ!”, đó là câu nói của bà nội dành cho đứa cháu ngờ nghệch năm lần phạm tội vì trộm cắp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng sớm 15-11, một bà cụ tóc bạc phơ đến trước cổng tòa quận 12 chờ được gặp cháu nội là Phạm Ngọc Hùng, một bị cáo đặc biệt, trong phiên xử sắp diễn ra.

Khi thấy xe chở phạm nhân đến tòa, bà vội nhón chân theo: “Hùng ơi! Sao con bỏ bà mà đi hoài vậy con ơi…”. Nước mắt trào ra từ hốc mắt nhăn nheo của bà cụ.

28 tuổi, tiền án nhiều hơn tiền mặt

Cũng như bốn lần trộm trước đây, Hùng (28 tuổi) đi lang thang, thấy nhà ai không khép cửa là vào trộm đồ. Lần này, Hùng trộm một điện thoại di động và hơn 2 triệu đồng. Vụ việc bị phát hiện ngay sau đó. Tài sản được trả đầy đủ cho bị hại, còn Hùng bị tạm giam.

Người bà đứng lặng trong sân tòa nhìn theo thằng cháu ra xe trở về trại sau khi kết thúc phiên xử. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Người bà đứng lặng trong sân tòa nhìn theo thằng cháu ra xe trở về trại sau khi kết thúc phiên xử. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Đại diện VKS nhận định bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo và bị hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. VKS đề nghị phạt Hùng từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù.

Luật sư của bị cáo đồng tình với đại diện VKS, không tranh cãi về tội danh mà đặc biệt quan tâm về phần nhân thân của Hùng.

Khi được HĐXX hỏi nguyện vọng, bà nội của bị cáo Hùng trả lời: “Tôi mong Nhà nước có chỗ nào cho cháu nó ở trong đó đến cuối đời. Nó lao động nhẹ gì đó để có cái ăn, cái mặc qua ngày mà không bị ai đánh đập là được. Tôi sợ nó ra tù lại quen tật cũ rồi bị người ta đánh chết thì tội nó. Tôi không cách nào giữ cháu ở nhà, ở bên mình được…”.

Kết quả giám định cho thấy Hùng bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. HĐXX đã phạt Hùng hai năm sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Tuyên án xong, vị thẩm phán đưa mắt về phía Hùng, nói: “Chấp hành án xong, ra tù bị cáo kiếm việc làm mà nuôi thân. Đi ăn trộm trước sau cũng bị bắt thôi”. Vị hội thẩm nói thêm: “Người ta bị bắt một lần đã sợ rồi, bị cáo bị bắt đến bốn lần rồi vẫn chưa sợ. Mỗi lần bị cáo đi tù, bà nội ở nhà lo mất ăn mất ngủ. Bị cáo đừng để già phải lo cho trẻ như vậy. Tôi nói vậy, bị cáo hiểu không?”.

Trước sau, vẫn một vẻ mặt ngơ ngác trước tòa, Hùng không nói gì, chỉ gật đầu lia lịa.

Khi HĐXX hỏi nguyện vọng, bà cụ trả lời: “Tôi mong Nhà nước có chỗ nào cho cháu nó ở trong đó đến cuối đời. Tôi sợ nó ra tù lại quen tật cũ rồi bị người ta đánh chết thì tội nó”.

Vừa ra tù đã muốn vào lại vì đời buồn quá

Kết thúc phiên xử, tôi theo chân bà nội của Hùng về căn nhà nhỏ hẹp của bà ở tổ 15, khu phố 4, phường Tân Thới Hiệp, quận 12. Một bức tranh đời bi kịch hiện ra qua những lời tâm sự của bà.

Hùng chín tuổi thì cha mất, 10 tuổi mẹ bỏ đi biệt, ở với bà nội - bà Nguyễn Thị Phương.

Bà Phương cho biết: “Từ nhỏ đến giờ nó không chơi với một đứa bạn nào trong xóm. Tôi nói gì, nó cũng ngơ mặt ra không hiểu. Nó cứ hay tháo nút bình xăng xe của người ta cho xăng chảy ra. Tôi phơi đồ thì nó lấy kéo cắt hết thành từng miếng nhỏ, rồi cười. Ngày xưa tôi không biết cháu mình bị gì, về sau mới nghe người ta nói là tự kỷ. Gia đình gửi vào trường khuyết tật ở phường 17, quận Gò Vấp nhưng nó lại trốn ra, không học được ngày nào, không biết chữ. Sau này nó không chịu ở nhà, mà lang thang ra đường rồi bị kẻ xấu xúi bày đi trộm đồ…”.

Mẹ bỏ đi, Hùng nhớ mẹ nên cứ lang thang tìm mẹ. Đi xong về nhà lại nói: “Con sợ mẹ con chết!”. Bà Phương nói bà mong một lần mẹ Hùng tìm về cho có mẹ có con, biết đâu Hùng lại muốn ở nhà. Mấy lần trước, lần nào vừa ra trại, Hùng cũng khóc nói nhớ nhà tù quá, muốn vào lại trong đó chứ ngoài đời buồn quá.

Ngập ngừng một lát, bà Phương tiếp: “Nó không biết chữ nhưng cũng chịu khó xin việc lắm. Có đợt nó đi bốc vác, về đưa tôi 1,8 triệu mà nó không biết đếm tiền. Cứ làm vài bữa là bị đuổi vì nó quá ngờ nghệch. Trước khi bị bắt lần này, nó nói với tôi rằng nó đã xin được việc làm rồi, có người nào đó hẹn nó ban đêm sẽ chở đi làm cho mát. Đến ba hôm sau thì nó bị bắt vì ăn trộm. Thật lòng nó bị bắt vào trại, tôi mừng hơn là nó ở ngoài đời…”.

“Phải chi cháu tôi tâm thần hẳn thì đời nó đỡ khổ”

Bà Phương đang ở với hai con trai, trong đó một người có giấy chứng nhận tâm thần. Mỗi ngày bà đi nhặt ve chai, kèm với 500.000 đồng/tháng tiền trợ cấp tâm thần của con trai cũng vừa đủ để bà trang trải cuộc sống cho mấy mẹ con, thỉnh thoảng còn mua đồ thăm cháu trong trại.

Ở tuổi 78, bà vẫn ngày ngày trải qua bao chuyện khổ tâm không thể nói hết bằng lời. Có bữa bà phải ra ngoài hiên hàng xóm đứng trú mưa qua đêm vì người con lên cơn, chửi bới liên tục, không cho bà ở trong nhà.

Kể vậy nhưng bà thương người con trai tâm thần hết mực: “Nó cũng như cháu Hùng của nó, không thích ở nhà, chỉ thích lang thang. Vậy nên nó đi bán vé số. Nó bán được đồng nào là cho hết người già, con nít, cứ thấy ai tội tội là cho. Cho tiền xong lại về ngửa tay xin mẹ lấy vốn mua vé số…”.

Bà nói sống trong cảnh khổ quen rồi, không còn biết khổ nữa, chỉ cần có con cái chịu ở bên để bà chăm sóc, chỉ cần mỗi bữa bà nấu ăn xong, các con của bà về ăn đúng bữa.

“Phải chi thằng Hùng nó tâm thần hẳn luôn thì đời nó đỡ khổ!” - bà lại thở dài. Đó là câu nói mà bà thốt ra mỗi ngày khi nhắc đến thằng cháu còn ở trong trại tù kia…

Mong cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận

Bà Nguyễn Thị Phương đang trao đổi cùng luật sư. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Bà Nguyễn Thị Phương đang trao đổi cùng luật sư. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Cách đây bốn năm, tôi bào chữa miễn phí cho Hùng. Vụ đó, Hùng bị bắt vì trộm một cái ví. Buổi trưa lang thang, thấy vợ chồng nhà kia ngủ trong nhà mà không đóng cửa. Hùng vào nhà, thấy trong túi áo người vợ cộm lên cái ví. Ngồi chờ lâu quá mà người ta không giật mình trở người nên Hùng tiến lại, lật người bà vợ lên để dễ rút cái ví ra. Tất nhiên là Hùng bị bắt ngay.

Giám định pháp y khi đó cũng cho ra kết quả bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Hùng lãnh án bằng thời gian đã bị tạm giam, được trả tự do ngay tại phiên tòa. Tôi càng lo lắng nhiều hơn bởi Hùng chậm phát triển, ngờ nghệch, chỉ còn bà nội già yếu, với tình cảnh như vậy không biết ra đời sẽ ra sao.

Ngay hôm sau phiên tòa, tôi gặp cô của Hùng. Chị cho biết Hùng lại đi trộm và lại bị bắt...

Sau nhiều năm không gặp, lần này tôi lại gặp Hùng khi tôi được công an mời bào chữa miễn phí cho một bị can có nhiều tiền án trộm cắp. Khi vừa thấy tôi, bà nội Hùng đã òa khóc và lặp lại y chang câu nói của bốn năm trước: “Bà nhớ nó quá nhưng không dám xin cho nó về sớm. Sợ nó lại sinh tật trộm rồi bị người ta đánh chết”.

Sau khi Hùng ra tù, nếu có một cơ sở bảo trợ xã hội nhận Hùng thì anh ta mới không còn là mối nguy hiểm cho xã hội. Gia đình cũng bớt lo, bà Phương mới đỡ khổ.

Luật sư NGUYỄN HOÀNG ANH (Đoàn Luật sư TP.HCM), người bào chữa miễn phí cho bị cáo Hùng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm