Chuyện buồn của pencak silat Việt Nam

Chẳng hạn như trường hợp của Hồng Ngoan, người từng làm mưa, làm gió trên đấu trường pencak silat khu vực và thế giới nhiều năm qua, nếu còn thiết tha vẫn có thể thi đấu tốt do phong độ còn ổn định và thể lực tốt. Nhưng chị đã xin giã nghiệp. Nhà đương kim vô địch SEA Games hạng 55 kg Huỳnh Thị Thu Hồng, đương kim vô địch SEA Games Nguyễn Thị Phương Thúy cũng xin không lên tuyển lần này để xây dựng gia đình. Các nhà vô địch Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Thanh Quyền cũng từ chối lên tuyển để đi học.

Chuyện buồn của pencak silat Việt Nam ảnh 1

Hồng Ngoan (phải) chia tay đội tuyển khi vẫn còn có thể thi đấu tốt. Ảnh: Tú Ngọc.

Năm ngoái, trong đợt tập trung chuẩn bị cho giải vô địch thế giới, pencak silat Việt Nam cũng từng sóng gió khi ngay cả các HLV cũng nhất quyết không chịu lên đội tuyển. HLV Xuân Hải và Thế Lâm, những người vốn gắn bó lâu năm và từng vinh danh cùng đội tuyển đều từ chối tập trung và điều đó đã dẫn đến những khó khăn cho đội tuyển silat. Rất may do môn võ này có nhiều HLV giỏi nên cuối cùng mọi chuyện cũng đâu vào đấy và pencak silat Việt Nam vẫn tỏa sáng với ngôi vô địch. Chứng kiến phong độ tuyệt vời của các võ sĩ Việt Nam tại giải đấu này, chủ nhà Indonesia lo ngại đến mức ở SEA Games sắp tới cứ hạng cân nào Việt Nam không có đối thủ ngang tầm đều bị gạt khỏi chương trình thi đấu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các HLV, VĐV silat không muốn lên tập trung cùng đội tuyển. Thứ nhất là sự thay đổi về định hướng đầu tư. Trước đây, trong thời kỳ thể thao Việt Nam coi mục tiêu chỉ là hội nhập và khẳng định vị thế tại đấu trường khu vực thì silat là một trong những mũi nhọn trọng điểm. Hồi đó mỗi khi đi thi đấu về, đội quân pencak silat được đón như những... người hùng bởi họ luôn biết tỏa sáng đúng lúc.

Kỳ SEA Games năm 1999, silat Việt Nam giành đến 7 HC vàng, chiếm đến hơn 40% số HC vàng của toàn đoàn thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 2001, chính những tấm HC vàng của pencak silat đã giúp Việt Nam vượt qua Philippines trong ngày thi đấu cuối cùng để vươn lên đứng thứ tư Đại hội. Ở các kỳ sau, silat Việt Nam cũng luôn có đóng góp lớn vào bảng vàng thành tích, nhất là ở SEA Games 2003 khi môn này giành tới 11 HC vàng. Chiến công của pencak silat lẫy lừng là vậy nên các võ sĩ môn này từng luôn trở thành mục tiêu để báo chí săn đuổi.

Thời huy hoàng đó, các võ sĩ pencak silat ngoài việc được tặng thưởng những huân, huy chương cao quý, còn có mặt trong danh sách 10 VĐV tiêu biểu hằng năm. Những võ sĩ lừng danh như Nguyễn Thị Mùi cùng cô em Nguyễn Thị Ngà, và Nguyễn Văn Hùng... trở thành nhân vật của nhiều trang báo.

Nhưng giờ đây dù có vô địch thế giới hay đoạt HC vàng SEA Games, các VĐV silat gần như không có vị trí trong các cuộc bầu chọn. Trào lưu tấn công vào đấu trường ASIAD và Olympic đang khiến cho những môn thể thao mũi nhọn một thời của Việt Nam như silat đứng trước nguy cơ dần lụi tàn.

Chuyện buồn của pencak silat Việt Nam ảnh 2

Phương Thúy (phải) là ĐKVĐ SEA Games cũng từ chối đội tuyển. Ảnh: Tú Ngọc.

Có nhiều ý kiến cho rằng thể thao Việt Nam đầu tư dàn trải, không tập trung vào các môn thi ASIAD hay Olympic. Nhưng thực tế thì trong khi các môn trọng điểm như điền kinh được đầu tư khá lớn thì những môn như silat nhận được sự đầu tư rất hạn chế. Như năm nay, chi phí tập huấn và thi đấu nước ngoài của silat Việt Nam chưa bằng một phần ba so với điền kinh, nhưng số huy chương mà silat mang về chắc chắn không nhỏ. Cả năm silat cũng chỉ được dự một vài giải đấu quốc tế và tích lũy kinh nghiệm từ đó. Quanh năm suốt tháng tập luyện miệt mài, vất vả không kém các môn khác, chấn thương luôn đeo bám nhưng thu nhập quá thấp, thành tích tốt cũng không còn vẻ vang như trước nên dần dần các VĐV ngại lên tuyển.

Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020 xác định mục tiêu tại đấu trường SEA Games vẫn là nằm trong top 3 khu vực. Nhưng khi mà những "mũi nhọn" như silat đứng trước nguy cơ thoái trào như hiện nay thì mục tiêu đó e rằng sẽ bị đe dọa...

Theo Khánh Vy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm