Vì sao nhiều vận động viên không thích lên tuyển

Ai cũng hiểu lên đội tuyển quốc gia, cái được lớn nhất chính là vinh quang mà không phải VĐV nào cũng có được. Ngoài tài năng thiên phú, để đến được với đội tuyển hầu hết các VĐV đều phải trải qua một quá trình khổ luyện ở cấp cơ sở hoặc các đội tuyển trẻ. Và khi được lên tuyển thì hầu hết ai nấy đều háo hức, nhất là khi được thi đấu tại những đấu trường lớn như SEA Games, ASIAD hoặc Olympic. Khi lên đỉnh vinh quang thì không chỉ có họ mà ngay cả người thân, gia đình thậm chí cả làng, xã... đều được thơm lây. Hào nhoáng vậy nhưng cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng hoành tráng như những gì người ngoài nhìn thấy.

Để có được khoảnh khắc vinh quang trên bục nhận huy chương, các VĐV đã phải vượt qua rất nhiều cửa ải. Trước tiên là việc đằng đẵng xa gia đình hàng năm trời. Nếu ai đó đến Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội vào ngày cuối tuần sẽ dễ dàng bắt gặp những đôi mắt buồn của nhiều VĐV mà lẽ ra ở lứa tuổi đó, họ vẫn được sống trong sự đùm bọc thương yêu của bố mẹ. Lên tuyển, các VĐV trẻ sẽ phải làm quen với cuộc sống tự lập và phải đối chọi với những sự ganh đua trong đội tuyển. Họ không chỉ phải tập luyện vất vả quanh năm suốt tháng, mà còn đối mặt với chấn thương. Mọi việc liên quan đến sinh hoạt, tập luyện đều phải tuân theo những quy định ngặt nghèo về giờ giấc...

Vì sao nhiều vận động viên không thích lên tuyển ảnh 1

VĐV Pencak silat Hồng Ngoan (phải) chia tay đội tuyển khi vẫn còn có thể thi đấu tốt. Ảnh: Tú Ngọc.

Theo thể thao đỉnh cao khắc nghiệt, nhưng chế độ đãi ngộ lại kém khiến cho nhiều người giờ không còn mặn mà với đội tuyển, nhất là với các VĐV đã thành danh, đã được vào biên chế ở các địa phương. Khi lên tuyển, ngoài chế độ tiền ăn (120.000 đồng mỗi ngày), các VĐV được hưởng chế độ tiền công 70.000 đồng mỗi ngày, tương đương khoảng 1.820.000 đồng mỗi tháng. Các VĐV không có lương ở địa phương sẽ được hưởng trọn số tiền này, nhưng nếu ở địa phương các VĐV đã được trả lương theo hệ số thì thu nhập một tháng của các VĐV trên tuyển sẽ được khấu trừ chênh lệch. Lên đội tuyển vừa phải tập nặng hơn, vừa phải sống xa gia đình có khi cả năm mà thu nhập không tăng thêm bao nhiêu khiến họ nản và đội tuyển thì cứ phải đứng trước nỗi lo tìm lực lượng mới.

Với các HLV, tình cảnh cũng chẳng khá hơn, nhất là đối với những người đang phải đối mặt với nỗi lo cơm áo cho gia đình. HLV trưởng ở các đội tuyển được hưởng chế độ tiền công 150.000 đồng mỗi ngày, tương đương 3.900.000 đồng mỗi tháng. Các HLV khác được hưởng 2.600.000 đồng mỗi tháng. Các HLV cũng sẽ phải thực hiện chế độ khấu trừ, nên có HLV lên tuyển thì thu nhập thậm chí còn thấp hơn so với khi chỉ ở địa phương. Lên tuyển, công việc ở địa phương họ vẫn phải gánh vác, trong khi công việc ở đội tuyển lại không dám bê trễ. Thu nhập không tăng, lại quanh năm suốt tháng ở cùng đội, muốn làm thêm việc gì để có thu nhập phụ cho gia đình cũng khó nên đó là lý do để nhiều HLV không mặn mà với tuyển quốc gia.

Trong thời bão giá hiện nay, số tiền kiểu trên không có sức hút với nhiều nhân tài từ các địa phương. Mặt bằng giá cả sinh hoạt ở Hà Nội cao, nếu HLV nào trót đãi bạn bè một vài bữa nhậu thì cả tháng lương coi như hết nên ai cũng sợ cảnh "lĩnh tiền ở địa phương, tiêu tiền ở thủ đô". Những khoản chi phí phát sinh do sống xa gia đình cũng không nhỏ.

Chế độ tiền công, tiền thưởng trong thể thao hiện nay đã được thực hiện từ năm 2006. Thời gian qua thu nhập của các HLV, VĐV không thay đổi bất chấp giá cả leo thang.

Ngành thể thao không phải không nhìn thấy vấn đề trên, nhưng đây lại là việc liên quan đến nhiều ngành khác nên khó khăn mới chỉ đang dần được tháo gỡ. Tổng cục Thể dục Thể thao đang hoàn thiện dự thảo quyết định sửa đổi bổ sung về một số chế độ chính sách cho các HLV, VĐV trình các cấp có liên quan. Dự kiến quy định mới này sau khi được phê duyệt sẽ được thực thi trong vài tháng nữa. Theo đó chế độ đối với các HLV, VĐV sẽ được tăng gấp khoảng hai lần so với trước. Các VĐV, HLV xuất sắc còn được đề nghị hưởng ưu đãi về học tập, đào tạo, ưu tiên giới thiệu việc làm và được ưu đãi về nhà ở...

Theo Khánh Vy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm