Vừa qua, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết vừa chuyển đến cơ quan công an bốn vụ việc liên quan đến chuyển nhượng bất động sản (BĐS) có dấu hiệu trốn thuế để cùng phối hợp điều tra làm rõ.
Một cá nhân và nhiều vụ thất thu thuế
Ông Tuấn thông tin chi tiết một số vụ cụ thể: Ngày 2-11, Chi cục Thuế TP Quy Nhơn chuyển đến cơ quan điều tra Công an TP Quy Nhơn một trường hợp có dấu hiệu trốn thuế.
Đường Điện Biên Phủ (TP Quy Nhơn, Bình Định), nơi có thửa đất chuyển nhượng giá “siêu rẻ”. Ảnh: HUY TRƯỜNG |
Thất thu thuế trên 100 triệu, chuyển cơ quan điều tra
Đối với các trường hợp có dấu hiệu khai báo không đúng về thuế, phía chi cục sẽ ra thông báo đề nghị giải trình, tự giác kê khai bổ sung lại. Sau hai lần ra thông báo mà người khai thuế không chấp hành thì Chi cục Thuế sẽ tiến hành phân loại.
Đối với các trường hợp tổng số tiền thất thu thuế trên 100 triệu đồng thì lập hồ sơ, chuyển sang cơ quan điều tra; từ dưới 100 triệu đồng thì Chi cục Thuế sẽ ấn định xử phạt hành chính.
Ông NGUYỄN QUỐC TUẤN,
Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn
Theo Phiếu chuyển thông tin địa chính số 7009 ngày 4-10 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Định kèm theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công chứng tại Phòng Công chứng số 3, tờ khai thuế thu nhập cá nhân bên bán là bà HTMN (ngụ TP Quy Nhơn) và tờ khai lệ phí trước bạ bên mua là ông PNN (ngụ huyện Tuy Phước, Bình Định) thì giá trị BĐS chuyển nhượng được ghi trên hợp đồng là 4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo lịch sử giao dịch BĐS thì thửa đất này bên bán đã trúng đấu giá vào ngày 12-8 với số tiền trúng đấu giá lô đất CTM8-12, diện tích 250 m2, khu đô thị mới Long Vân (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định) là hơn 6,3 tỉ đồng.
Số tiền mà bên bán và bên mua kê khai trên hợp đồng công chứng chênh lệch hơn 2,3 tỉ đồng so với giá trị trúng đấu giá, dẫn đến nghĩa vụ tài chính ước tính thất thu hơn 57,6 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Phiếu chuyển thông tin địa chính số 3375 ngày 19-10 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Định Chi nhánh TP Quy Nhơn kèm theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công chứng, tờ khai thuế thu nhập cá nhân bên bán là bà HTMN và tờ khai lệ phí trước bạ bên mua là bà MTY (ngụ TP Quy Nhơn) kê khai thì giá trị BĐS chuyển nhượng được ghi trên hợp đồng là 2,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo lịch sử giao dịch BĐS thì thửa đất này bên bán đã trúng đấu giá vào ngày 23-8 với số tiền trúng đấu giá lô đất nói trên là 4,77 tỉ đồng. Số tiền mà bên bán và bên mua kê khai trên hợp đồng công chứng chênh lệch hơn 2,27 tỉ đồng so với giá trị trúng đấu giá, dẫn đến nghĩa vụ tài chính ước tỉnh thất thu hơn 56,7 triệu đồng.
Như vậy, tổng cộng hai trường hợp chuyển nhượng BĐS cùng người nộp thuế đại diện bên bán là bà HTMN, ước tính nghĩa vụ tài chính thất thu là hơn 114 triệu đồng.
Mua 6,1 tỉ, hai tháng sau đại hạ giá bán lại 1,6 tỉ
Trước đó, ngày 27-10, Chi cục Thuế TP Quy Nhơn đã chuyển đến cơ quan Công an TP Quy Nhơn một vụ việc có dấu hiệu trốn thuế khác.
Theo đó, tờ khai thuế thu nhập cá nhân của ông VKQ và bà TTT (bên bán, ngụ TP Quy Nhơn); tờ khai lệ phí trước bạ của bà NTHN (bên mua, ngụ huyện Tuy Phước, Bình Định) thể hiện giá trị ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số D7, đường Điện Biên Phủ, phường Nhơn Bình ngày 17-3-2022 là 1,675 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo lịch sử giao dịch BĐS thì bên bán đã mua trúng đấu giá thửa đất nói trên vào ngày 21-1 với số tiền 6,170 tỉ đồng. Số tiền mà bên bán và bên mua kê khai trên hợp đồng công chứng chênh lệch 4,496 tỉ đồng so với giá trị trúng đấu giá, dẫn đến nghĩa vụ tài chính ước tính thất thu là 112,375 triệu đồng.
Ông Tuấn cho biết: Ngoài ra, có khoảng 387 hồ sơ có việc kê khai thuế thấp hơn giá thực tế giao dịch. Hiện Chi cục Thuế TP Quy Nhơn đã gửi thông báo đến hàng chục trường hợp liên quan để thông báo giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu và tự giác kê khai lại cho đúng thực tế.
Giải pháp chống thất thu thuế
Từ lâu, việc chuyển nhượng, giao dịch đất đai bằng các hợp đồng hai giá nhằm giảm hoặc trốn tránh nghĩa vụ thuế giữa các bên xảy ra khá phổ biến. Việc lập hợp đồng công chứng với giá kê khai thấp hơn giá giao dịch được thực hiện mà ít gặp khó khăn. Công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, quyết liệt nên thiếu tính răn đe. Điều này không chỉ gây thất thu nguồn thuế lớn đối với Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với người dân.
Nếu khai đúng giá, người mua sẽ đỡ phải đối diện với các rủi ro khi xảy ra tranh chấp hợp đồng giữa các bên. Người mua sẽ dễ dàng hạch toán giá đầu vào, có cơ sở để chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp của mình, có cơ hội để minh bạch tài sản cho những mục đích khác như đầu tư, cho con đi du học hay xuất cảnh…
Về phía cơ quan nhà nước, theo tôi, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về thuế theo kế hoạch đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong chuyển nhượng BĐS. Đồng thời rà soát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chuyển nhượng BĐS. Trên cơ sở đó, nếu phát hiện vi phạm sẽ phối hợp xử lý nghiêm theo quy định.
ThS - luật sư NGUYỄN SƠN LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM