Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc khu vực, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, một trong những đầu mối chính tổ chức các cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác với các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ, nói: “Chính giới và doanh nghiệp (DN) Mỹ kỳ vọng sự chân thành, thẳng thắn, tự tin của Thủ tướng sẽ giúp cộng đồng DN hai nước được hưởng lợi từ sự gia tăng niềm tin giữa hai quốc gia”.
Đảm bảo quy tắc ngoại giao nhưng thân thiện, tự tin
. Phóng viên: Thưa ông, điều làm ông ấn tượng nhất khi dự những cuộc làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn, DN Mỹ là gì?
|
Ông VŨ TÚ THÀNH, Phó Giám đốc khu vực, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN |
+ Ông Vũ Tú Thành: Từ lâu tôi đã ấn tượng với phong cách làm việc của Thủ tướng. Ông cầu thị khi thẳng thắn bày tỏ các vấn đề cần giải quyết. Ông tự tin khi trình bày các vấn đề rất cụ thể. Ông luôn tiếp thu những ý kiến hay từ mọi giới gửi đến và triển khai trên thực tế.
Những điều đó cũng được thể hiện trong chuyến công tác tại Mỹ lần này. Như trong cuộc gặp DN ngày 12-5, chúng ta có thể thấy Thủ tướng rất thoải mái, tự nhiên, chân thành, có những lúc dân dã nhưng rất chừng mực. Những thông điệp Thủ tướng đưa ra tôi tin đã được ông đúc kết trong nhiều năm làm lãnh đạo, chẳng hạn: “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “tôn trọng lợi ích của các bên”.
Tôi nghĩ khi Thủ tướng sòng phẳng, thẳng thắn như vậy thì có lợi cho người dân, DN.
. Ông nhận xét thế nào về bài thuyết trình của Thủ tướng và cuộc đối thoại của Thủ tướng với các sinh viên, học giả Harvard?
+ Thủ tướng rất cầu thị, khiêm tốn. Lúc kết thúc bài thuyết trình, Thủ tướng nói: “Tôi nói thế, có thể quý vị thích, quý vị không thích nhưng tôi nói những gì tôi nghĩ”. Cử tọa sau đó, như nhà báo thấy vỗ tay một tràng dài. Việc kết nối như thế rất phổ biến trong văn hóa Mỹ. Mà đặc biệt, những người Thủ tướng hướng đến khi nói về VN lại là giới tinh hoa Mỹ, lại ở ĐH Harvard. Thu hút được họ như vậy quả thực là điều rất đặc biệt.
Hoạt động của Thủ tướng vẫn có những quy tắc ngoại giao nhất định nhưng điều đó không làm giảm đi sự thân thiện, tự tin, gần gũi. Điều đó tiếp tục khẳng định Việt Nam (VN) và Mỹ là đối tác tin cậy.
. Thủ tướng nhiều lần nhắc đi nhắc lại cả với chính giới và DN, cộng đồng người Việt tại Mỹ rằng: Quan hệ Việt - Mỹ như món ăn, đủ cả ngọt, mặn, chua, cay, đắng và rất hấp dẫn…
+ Tôi nghĩ đó là sự thẳng thắn của Thủ tướng khi mô tả quan hệ Việt - Mỹ. 27 năm qua quan hệ này đã phát triển liên tục, mặc cho một số khác biệt và những cản trở thương mại. Việc mô tả quan hệ Việt - Mỹ với những vấn đề quan trọng có cả “ngọt, mặn, chua, cay” là rất tinh tế, hài hước, thu hút và điều này phù hợp với văn hóa Mỹ khiến cho cả chính giới và học giả, DN Mỹ thích thú, ấn tượng. Nó làm cho những vấn đề tưởng chừng khó nói trở nên nhẹ nhàng. Nó cũng khơi gợi ấn tượng đặc biệt của nhiều người Mỹ, trong đó có những chính khách, học giả và doanh nhân về ẩm thực VN.
|
Những phát biểu của Thủ tướng nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo đại diện doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: NHẬT BẮC |
Phong cách của Thủ tướng phù hợp với văn hóa Mỹ
. Đây là một chuyến thăm và làm việc dài ngày của Thủ tướng ở Mỹ. Ông có thể chia sẻ những gì cảm nhận được từ đoàn?
+ Tuy đây là chuyến công tác dài ngày nhưng như nhà báo thấy thái độ, phong cách của Thủ tướng và đoàn luôn thoải mái. Điều đó như gửi đi thông điệp: “Chúng tôi đang ở nhà bạn bè, ở nơi chúng tôi tin tưởng”. Những tổ chức, cá nhân gặp gỡ, đón tiếp Thủ tướng cũng có thái độ thân thiện, tự nhiên.
Tôi có thể nói: Cho đến thời điểm này, Việt - Mỹ đã quá hiểu nhau, có thể đạt được sự tin cậy rồi. Và phía Mỹ cũng rất ấn tượng khi đoàn VN không quá chú trọng đến nghi thức, nghi lễ mà chỉ tập trung vào các vấn đề thực chất, mong muốn giải quyết các vấn đề mà hai nước cần. Khi đã tin cậy nhau có thể bỏ qua cho nhau những hình thức, nghi lễ để tập trung vào những gì thực chất. Điều này cũng phù hợp với tâm lý người Mỹ: Rất thực tế, quan tâm nội dung nghị sự.
. Chính giới Mỹ bày tỏ cảm nhận thế nào về Thủ tướng và các cam kết của Thủ tướng, nhất là về kinh tế - thương mại?
+ Những vấn đề mà người Mỹ quan tâm và đánh giá cao về VN và cá nhân Thủ tướng phải kể từ cam kết của Thủ tướng tại COP26. Người Mỹ ý thức rõ đó là vấn đề khó nhưng không phải là không khả thi đối với VN. Thủ tướng cũng nói: Tuyên bố tại COP26 không phải chỉ để tuyên bố mà có cơ sở và phải làm được. Đó là vấn đề toàn cầu thì phải có cách tiếp cận, giải quyết toàn cầu.
Việc Thủ tướng đưa thông điệp “chân thành - tin cậy - trách nhiệm” đến với cộng đồng DN Mỹ cũng là điểm mới. Hai chữ “tin cậy” trong quan hệ chính quyền - DN là rất quan trọng, tạo sự gần gũi, thoải mái giữa đôi bên. Sự tin cậy ấy còn dẫn tới việc “hài hòa lợi ích” giữa DN và Nhà nước. Những phát ngôn của Thủ tướng đưa ra thông điệp về việc cơ quan quản lý nhà nước sẽ tôn trọng DN, tôn trọng quyền “mưu cầu lợi nhuận” của họ.
. Còn về “trách nhiệm” mà Thủ tướng nêu ra thì ông hiểu thế nào?
+ Trách nhiệm thì có lẽ Thủ tướng mong muốn gửi đến cộng đồng DN hơn là cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các DN đã có truyền thống cả trăm năm nói riêng và DN Mỹ nói chung thì người ta đánh giá rất cao điều này. Họ mong muốn một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, các quy định của VN rõ ràng, dễ tuân thủ, có thể tiên liệu được thì họ mới yên tâm đầu tư.
. Xin cám ơn ông!
Sẽ có làn sóng đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam
Kim ngạch xuất nhập khẩu ASEAN - Mỹ năm 2021 là 362 tỉ USD và chỉ tính riêng kim ngạch Mỹ - Việt đã là 112 tỉ, chiếm gần 1/3. Trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào ASEAN 328 tỉ USD nhưng đầu tư vào VN chỉ có 10 tỉ USD. Như vậy, VN và Mỹ đã làm tốt trong quan hệ thương mại nhưng hai nước lại làm chưa được tốt lắm trong việc đầu tư.Đầu tư của Mỹ vào VN hiện nay còn đang dưới tiềm năng rất nhiều nhưng điều đó như Thủ tướng nói, lại là dư địa để thúc đẩy sau chuyến thăm này. Điều đó có thể giúp chúng ta khẳng định: Trong thời gian tới, hai bên sẽ tận dụng tốt hơn lợi thế của nhau.
Ngoài năng lượng thì kinh tế số cũng sẽ là đòn bẩy trong quan hệ giữa chính phủ - chính phủ, DN - DN hai nước trong tương lai. Thủ tướng cũng khẳng định điều đó xuất phát từ Nghị quyết ĐH XIII, chúng ta có thể tin tưởng “kinh tế số, lòng tin số” sẽ được thúc đẩy tốt hơn trong thời gian tới vì lợi ích của DN, rộng ra là nhân dân hai nước. Nhiều DN công nghệ, các nhà đầu tư lớn của Mỹ đã tiếp xúc và thảo luận với Thủ tướng, với các bộ trưởng và DN VN.
Tôi cho rằng các tập đoàn công nghệ của Mỹ chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế số, xa hơn là lòng tin số giữa VN - Mỹ. Chúng tôi tin rằng tinh thần và thông điệp của Thủ tướng, của đoàn lần này sẽ tiếp tục được thảo luận sớm tại VN.
Tôi nghĩ làn sóng đầu tư mới của Mỹ vào VN đã được bắt đầu nhưng hơi chững lại do đại dịch COVID-19. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ tiếp diễn. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngày càng quan tâm hơn đến VN nói riêng và khu vực ASEAN nói chung. Các DN Mỹ chắc chắn sẽ gia tăng đầu tư vào khu vực ASEAN.
Chuyến thăm của Thủ tướng chắc chắn là cú hích rất tốt để thu hút đầu tư. Nhưng nên nhớ, làn sóng đầu tư không chỉ chảy vào VN mà ập vào cả khu vực Asean và khu vực khác. Trong làn sóng bao trùm như vậy thì tỉ lệ đầu tư của Mỹ vào VN bao nhiêu tùy thuộc vào Chính phủ và DN VN. Chúng ta nên chuẩn bị trước để đón nhận làn sóng đầu tư ấy.
Ông VŨ TÚ THÀNH, Phó Giám đốc khu vực, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN
..............................................
Độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập
Chiều 14-5, theo giờ địa phương, tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Mỹ, Thủ tướng đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại ĐH Harvard, TP Boston, bang Massachusetts.
Phát biểu tại sự kiện này, GS Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam (VN), Trường Harvard Kennedy, cho biết trong 12 thành viên Đoàn đại biểu VN tham gia chuyến công tác lần này có tới sáu bộ trưởng từng theo học tại Harvard.
Trong bài phát biểu quan trọng tại đây, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại VN. Đường lối đổi mới của VN dựa trên ba trụ cột gồm: Xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập.
Cũng trong ngày 14-5, tại Boston, Thủ tướng đã có cuộc trao đổi với đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry.
Thủ tướng đánh giá cao ông John Kerry, trải qua các vị trí lãnh đạo trong chính quyền và Quốc hội, đã góp phần xây dựng đồng thuận trong lưỡng đảng Mỹ ủng hộ quan hệ với VN. Nhất là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, một phần quan trọng của quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa nhân dân hai nước.
Đặc phái viên John Kerry tái khẳng định Mỹ nhất quán coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với VN, ủng hộ VN đóng vai trò ngày càng chủ động, thực chất tại khu vực và trong ứng phó với các vấn đề quốc tế, gồm biến đổi khí hậu.
Đặc phái viên John Kerry khẳng định quyết tâm của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để nhắm tới mục tiêu nhiệt độ nền của thế giới không tăng thêm 1,5°C trong năm năm tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết VN xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề trọng tâm, cấp bách, vừa là thách thức vừa là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ VN hoan nghênh sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp dưới hình thức hợp tác công - tư; chủ trương tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp (DN) VN trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.Thủ tướng nhấn mạnh VN lựa chọn bất cứ cách thức chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải phải mang lại lợi ích cao nhất cho DN và người dân.
Ông khẳng định nhiều DN có năng lực và quỹ tài chính lớn toàn cầu và Mỹ quan tâm và sẵn sàng đầu tư, tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở VN và mong VN nắm bắt cơ hội lớn này.
Nhân chuyến công tác tại Mỹ, sáng 14-5, tại thủ đô Washington, D.C, Thủ tướng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện trực thuộc đại sứ quán.
Tiếp đại diện cộng đồng người Việt ở khu Bờ Đông Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với đồng bào khi ở xa quê hương, xa Tổ quốc và trân trọng cám ơn sự đóng góp của kiều bào đối với đất nước và góp phần vun đắp mối quan hệ VN - Mỹ.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định người VN định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc VN; luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.
Theo Thủ tướng, thành công của người VN tại Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người VN, giá trị VN trên đất nước Mỹ; thể hiện thiện trí của VN trong hợp tác với các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.
ĐỒNG TUYẾN (theo VGP)