Sáng 14-12, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy định pháp luật đặc thù về phát triển TP.HCM và kinh nghiệm nước ngoài”. Buổi hội thảo nhằm trao đổi dưới góc nhìn khoa học các vấn đề liên quan đến việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Thông qua 13 nội dung trong cơ chế đặc thù
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã góp ý nhiều vấn đề pháp lý và thực tiễn nhằm khai thác tối đa các nguồn lực của TP.HCM.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng TP.HCM đang đối mặt với hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến phát triển, quản lý đô thị khiến TP có nguy cơ suy giảm về tăng trưởng và vị thế kinh tế. Để tháo gỡ các vướng mắc này, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết 54 với thời gian thực hiện năm năm (đến năm 2022).
Sau thời gian này, nếu kết quả khả quan, QH có thể xem xét, quyết định ban hành luật riêng cho TP.HCM tương tự như Luật Thủ đô cho Hà Nội. Do vậy, việc quan trọng hiện nay đối với TP là triển khai một cách nhanh chóng, có hiệu quả, tận dụng cơ chế và ưu thế mà Nghị quyết 54 đã trao cho TP.
Chia sẻ về kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 54, ông Mai Hữu Quyết, Trưởng phòng Tổng hợp - Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết đến thời điểm này HĐND TP đã thông qua 13 nội dung quan trọng. Trong đó có nhiều cơ chế, chính sách như thông qua các dự án nhóm A trọng điểm của TP như dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch... HĐND TP cũng thông qua việc chấp nhận 31 dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha với tổng diện tích hơn 1.893 ha.
Cạnh đó, các chính sách thu nhập tăng thêm đã khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Việc tăng mức thu phí sử dụng tạm lòng đường để đỗ ô tô, mức phí bảo vệ môi trường... cũng phát huy hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, một số cơ chế về tài chính, ngân sách như các nguồn thu từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu… chưa được thực hiện.
PGS-TS Trần Hoàng Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM
Điểm vướng hiện nay là trong quá trình triển khai Nghị quyết 54, môi trường pháp lý đã có sự thay đổi do một số luật vừa được ban hành mới. Mặt khác, Nghị định 93 của Chính phủ chỉ phân cấp cho TP.HCM trong bốn lĩnh vực, trong khi nhiều lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp lại chưa được phân cấp. “Do đó, những bức xúc mang tính đặc thù của đô thị lớn vẫn không thể tháo gỡ như vấn đề quản lý cư trú, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống tệ nạn xã hội” - ông Quyết nhận định.
Theo ông Quyết, TP.HCM cần đề xuất Chính phủ xem xét, điều chỉnh các nghị định, thông tư theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn để TP chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn.
Cần tận dụng tối đa biên độ “cởi trói”
PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Trưởng khoa Luật hành chính - nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM, đề nghị trong tình hình hiện nay, TP cần khẩn trương nghiên cứu và thực hiện mạnh mẽ hơn, tận dụng tối đa biên độ “cởi trói” mà Nghị quyết 54 cho phép.
Về cơ chế phân cấp, ủy quyền, ông Nhiêm cho rằng bản chất lợi ích - ưu đãi mà TP.HCM được hưởng không khác nhiều so với việc phân cấp, ủy quyền thực hiện theo luật chung - Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
“TP.HCM vẫn chưa mạnh dạn thực hiện việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các sở, ngành và UBND quận, huyện theo quy định của Điều 43 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 mà chỉ dừng lại ở việc ủy quyền. Điều đó nghĩa là TP chưa tận dụng tối đa cơ chế của pháp luật chung, chứ chưa nói đến cơ chế đặc thù” - ông Nhiêm nói.
Đối với vấn đề ngân sách, PGS-TS Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Quản trị, Trường ĐH Luật TP.HCM, đề nghị cần có quy định cho phép TP.HCM chủ động trong việc xây dựng dự toán chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và cơ sở hạ tầng nói riêng. Cụ thể, TP.HCM cần có quyền chủ động quyết định các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản mà không nhất thiết phải tuân thủ văn bản hướng dẫn hằng năm của Bộ Tài chính. Quy định này là cần thiết bởi cơ sở hạ tầng đóng vai trò vô cùng quan trọng với việc phát triển kinh tế-xã hội của TP.
Từ kinh nghiệm thực tế tại Indonesia, PGS-TS Michael Ewing-Chow, Chủ tịch WTO tại khoa Luật của ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng TP.HCM phải đòi hỏi có quyền tự chủ cao hơn để phát triển các chính sách của mình hiệu quả hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của TP.HCM sẽ mang lại thay đổi cho các tỉnh lân cận. Ngoài ra, TP sẽ cần phát triển cơ sở hạ tầng, chế độ đầu tư và mạng lưới thương mại sâu rộng hơn.
Để không còn phải “xé rào” nữa Theo nhận định của PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, Nghị quyết 54 đã tạo ra ba “cú hích” cho sự phát triển của TP.HCM. Một là tăng quyền tự chủ ở các lĩnh vực khác nhau từ quy hoạch đất đai đến quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, bộ máy cán bộ, tạo nên dư địa chính sách cho TP và dư địa phát triển cho toàn bộ khu vực phía Nam. Hai là dỡ bỏ một số ràng buộc về cơ chế nhằm tạo động lực để phát triển. Nói cách khác, TP.HCM sẽ không cần phải loay hoay “xé rào” nữa. Ba là tạo sức bật và động lực từ những thí điểm cơ chế như quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP. |