Ngày mới cưới, mẹ thương con gái lấy chồng nghèo nên vun vén ít nhiều cho con về nhà chồng.
Ở quê, hai gia đình lại thuần túy làm nông, mẹ Hường biết gia đình con gái có ý mua bò về làm ăn. Nghe tin có nơi bán bò đẹp giá hời, bà lặn lội cùng con rể đi mua bò sắp đẻ giá 14 triệu.
Hai vợ chồng trẻ sống với nhau chẳng được bao lâu, Hường đã bao lần phải ôm con khóc vì người chồng mỗi chiều đều chân nam đá chân chiêu. Hường cảm nhận mình chỉ là người thừa trong gia đình ấy. Bao nhiêu sự yêu thương Hường dồn hết vào chăm con, nuôi bò.
Cứ như thế, trong ba năm bên cạnh chồng, nhẫn nhục cho đến một ngày không chịu đựng nổi đòn roi, Hường bỏ về nhà mẹ đẻ.
Mẹ thấy con gái khóc lóc, gầy gò, một mực không muốn sống cùng chồng nên cũng chẳng thể khuyên nhủ. Hường đâm đơn ly hôn ở tuổi 24.
Ngày lên tòa huyện, thẩm phán hỏi Hường:
- Hai vợ chồng cưới về được cho bao nhiêu?
- Dạ, 13 chỉ.
- Vàng giờ còn không?
- Dạ mẹ chồng và chồng giữ. Cháu không được biết đến. Cháu nghe đâu bán hết rồi.
- Vậy bây giờ quy vàng ra tiền. Xem như hai vợ chồng đã đóng góp 20 triệu vào sửa nhà nghen.
- Dạ cũng được.
Lần sau, lên gặp. Cũng người thẩm phán ấy, lại hỏi:
- Có bằng chứng gì đóng góp sửa nhà? Mua xi măng, cát... ở đâu?
- Chồng cháu đi mua. Cháu là đàn bà sao biết được.
- Không có bằng chứng thì không có gì chứng minh đã đóng góp 20 triệu đồng để sửa nhà cho gia đình chồng.
Hường ú ớ. 20 triệu đồng cũng thẩm phán bảo. Không 20 triệu đồng cũng thẩm phán nói. Hường không biết phải làm sao. Thẩm phán cho rằng Hường không nộp chứng cứ chứng minh đó là bò của vợ chồng Hường nên tuyên xử thuộc về bà mẹ chồng, 20 triệu đồng kia đình chỉ giải quyết vì Hường tự nguyện rút đơn nhưng lại buộc mẹ chồng phải trả Hường 10 triệu đồng xây hàng rào.
Dường như áy náy, anh chồng tự nguyện giao Hường bốn chỉ vàng. Con dĩ nhiên Hường nuôi. Nhưng Hường cần bò, đó là công sức của Hường trong những tháng ngày buồn tủi, là một phần cuộc sống của Hường.
Hường làm đơn kháng cáo đến tỉnh. Ở phiên tòa này, may mắn thay công lý đã đứng về phía Hường. Hường đã được chia đôi tiền bò, bốn con 68 triệu đồng, vị chi Hường được 34 triệu.
Nhưng nhiều tháng ròng đã trôi qua, thi hành án vẫn chưa làm việc để buộc chồng Hường trả số tiền bò.
Chiều, Hường ống thấp ống cao nhìn xa xăm bên cạnh đứa con trai ngây thơ bảo: “Mẹ ơi! Sau này lớn lên làm giám đốc, có tiền con sẽ chia cho mẹ một nửa, một nửa con mua kẹo ăn”. Hường bật cười trước giấc mơ dễ thương của con. Hường lấy gì để nuôi con trở thành giám đốc khi giờ đây vẫn sống dựa vào mẹ, phụ công việc đồng áng?!