Chuyện đáng yêu ở nơi các bé chờ mẹ khỏi bệnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trường Mầm non Họa Mi 2 (tại 11 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TP.HCM) những ngày qua thỉnh thoảng lại vang lên tiếng oe oe của những em bé mới sinh chưa tròn tháng. Các bé đều có chung hoàn cảnh khá đặc biệt là mẹ bị nhiễm bệnh COVID-19, hiện tạm thời chưa thể bên cạnh các bé từ lúc chào đời ở Bệnh viện (BV) Hùng Vương.

Đăng ký tình nguyện chăm trẻ ngay

Ngoài nhân viên của BV túc trực ở đây, Trung tâm Hope cũng nhận được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên (TNV) đến chăm sóc các bé ngay từ khi thành lập trung tâm. Hiện trung tâm đang có hơn 25 TNV chăm sóc cho khoảng 60 bé đang chờ người thân đón về.

Nữ tiếp viên hàng không Thu Hằng chăm bé tại Trung tâm Hope. Ảnh: H.LAN

TNV Nguyễn Thị Thu Hằng, ở quận Gò Vấp, TP.HCM vốn là tiếp viên của hãng hàng không Việt Nam Airlines. Hằng cho biết từ khi TP thực hiện giãn cách xã hội, Hằng chỉ bay hai chuyến trong tháng 7 và từ đầu tháng 8 đến nay nghỉ ở nhà. Khi đọc được thông tin tuyển TNV chăm bé, Hằng không suy nghĩ nhiều mà liền gọi điện thoại đăng ký, dù thực sự cũng không biết sẽ làm những công việc cụ thể nào. Tuy nhiên, Hằng suy nghĩ trong điều kiện giãn cách xã hội, việc tìm người chăm các bé cũng không phải dễ dàng.

Từng là một tiếp viên, bay những chuyến bay quốc tế đường dài, phải phục vụ các bữa ăn và hành khách rất vất vả, thường xuyên trau dồi tính cẩn thận nên Hằng cũng tự tin có thể chăm sóc các bé tốt.

“Khi đến đây, mình cũng khá lo và lóng ngóng nhưng dần dần cảm thấy yên tâm hơn khi được bác sĩ tập huấn kỹ càng. Mình quan sát các chị có kinh nghiệm bế bé trước rồi mới làm quen dần. Ban đầu chăm con nít, mình cũng chưa hiểu ý các bé muốn như thế nào nhưng dần dần cũng quen, biết bé nào thích nằm, bé nào đang muốn ăn, bé nào thích bế lên” - Hằng kể.

Tuy nhiên, Hằng cũng bị một phen hú vía khi thấy một em bé tự nhiên bị đỏ người và người có biểu hiện rung lên. Hằng liền bế bé để hỏi điều dưỡng của BV, sợ bé có điều gì bất thường. “Với kinh nghiệm của cô điều dưỡng, cô liền bảo không sao em ơi, nhìn mặt em chị còn sợ hơn, để chị đo tim cho bé” - Hằng kể cô điều dưỡng còn chọc lại mình. Và sau đó em bé ấy không sao thật.

‘Tiền lúc nào cũng có thể kiếm lại được’

“Mỗi ngày, các bé sẽ được cho bú 8 cữ, có bé bú chậm, có bé bú nhanh nhưng phải ẵm từng bé để cho bé bú xong hết thì thôi. Bé bú lâu nhất có thể cả tiếng. Nửa tiếng trước khi bú, phải đánh thức bé dậy”, - tình nguyện viên Lê Ngọc Kim Tiền, chia sẻ ‘thuộc làu’ công việc cho các bé bú sữa hằng ngày ở trung tâm. Mỗi tình nguyện viên hiện đang phụ trách chăm khoảng 4, 5 bé.

Ngắm nhìn vẻ mặt mãn nguyện của em bé, Tiền liên tục nựng nịu: “Con bú giỏi quá, con bú nhanh lên để cô còn cho bé khác bú ha”. Khi bé bú dốc cạn bình sữa, Tiền cẩn thận ẵm bé lên vỗ nhẹ vào lưng bé cho đến khi phát ra tiếng “ợ”, Tiền mới nhẹ nhàng đưa bé vào trong nôi và tiếp tục cho bé khác ăn.

Tình nguyện viên Kim Tiền đang chăm chú cho một em bé bú sữa

“Bé nào bú xong, em cũng phải cho ợ hết chứ không bé sẽ dễ bị trớ hay nôn sữa ra lại. Ban ngày, tụi em thường phải cho bé ngủ một tiếng, chơi 2 tiếng chứ không bé thức ngày cày đêm thì các bạn trực ban đêm sẽ rất mệt”, - Tiền kể.

Tiền quê ở Kiên Giang, vừa tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Trong mùa dịch, bạn bè hầu như đã về nhà gần hết, Tiền kiếm được một công việc kinh doanh với mức thu nhập khá, đủ trang trải tiền nhà trọ qua ngày. Tuy nhiên, khi đọc được mẩu thông tin cần người chăm sóc cho các bé, trái tim Tiền như bị ‘lạc’ đi và không suy nghĩ gì nhiều, em tạm gác lại công việc và đăng ký tham gia ngay.

Từ một sinh viên chỉ thức thâu đêm vào những dịp cần nộp bài cho kịp deadline, nay nếm trải cảm giác nhiều đêm thức trắng chăm các bé, Tiền càng thấm thía công việc chăm con vất vả của các bậc cha mẹ. Em cho rằng: “Đây là kỷ niệm đáng nhớ trong tuổi trẻ của mình. Cơ hội và tiền bạc thì không kiếm được lúc này, lúc khác em sẽ kiếm lại được nhưng để giúp Sài Gòn trở lại trạng thái bình thường mới thì em sẵn sàng đánh đổi”, - Tiền tâm sự.

Tiền chia sẻ khi biết Tiền tình nguyện vào chăm các bé, cô chủ nhà trọ đã miễn phí tiền phòng trọ một tháng cho Tiền, ba mẹ khi biết tin cũng liên tục động viên em cố gắng.

“Dù em không phải người mẹ sinh ra các bé nhưng em cũng cảm thấy rất xót xa cho những người mẹ mang nặng đẻ đau con 9 tháng mười ngày nhưng không được gần con thì chắc sẽ đau lòng nhường nào”, Tiền cảm nhận và mong muốn bù đắp nhiều hơn cho các bé. 

Chăm trẻ chu đáo bằng tình thương ruột thịt

Trung tâm Hope ngày ngày rộn ràng bởi tùy theo tính nết, các bé được đặt những biệt danh kháu khỉnh như Hoàng tử, Công chúa, bé Hạt tiêu, Đại ca ăn nhiều, bé Hàn Quốc.

“Ở đây, các chị em vui lắm, thỉnh thoảng lại hỏi chuyện nhau con chị bú chưa, con em ngủ chưa. Bé được đặt là Hàn Quốc bởi mắt bé nhìn nhỏ như người Hàn Quốc mà lại hay khóc và nhõng nhẽo lắm” - Hằng vui vẻ kể.

Ca trực đêm thường kéo dài 15 tiếng, từ 16 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau, sáng nào trực đêm Hằng cũng mệt nhoài và lăn ra ngủ. Thế nhưng khi đến trung tâm, nhìn số gram các bé tăng lên từng ngày, say giấc, sạch sẽ thơm tho, Hằng như được tiếp thêm năng lượng.

“Mỗi lần tiễn các bé về với gia đình, mình cảm thấy không nỡ xa các bé nhưng cũng mừng cho các bé được đoàn tụ với người thân. Thế nhưng cũng có trường hợp đến ngày đón về, bé không được về với gia đình mà phải về trung tâm cô nhi. Mình nghĩ mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng nhưng mong họ sẽ suy nghĩ lại và đón bé về” - Hằng tâm sự.

Trung tâm hiên đang chăm sóc 60 bé

Hằng chia sẻ: “Chăm các bé là trải nghiệm tuyệt vời trong đời của em. Từ nhỏ đến lớn, em luôn cảm thấy muốn làm nhiều việc cho người khác, thời gian giãn cách xã hội, ở nhà không làm được gì, em cũng cảm thấy stress luôn”.

Được phân công hỗ trợ theo dõi các bé được chuyển sang trung tâm, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hồng, Khoa sơ sinh BV Hùng Vương, chia sẻ mặc dù các trẻ sơ sinh được chăm sóc ở Trung tâm Hope được thăm khám sức khỏe hoàn toàn ổn định nhưng phải luôn được theo dõi và đánh giá sức khỏe vì không biết trước được điều gì sẽ xảy ra. “Chẳng hạn, khi chăm bé sơ sinh, các TNV đều được tập huấn phát hiện các dấu hiệu bất thường của bé, chẳng hạn như bé bị sặc sữa phải phát hiện và xử lý kịp thời giúp bé ổn định. Trong đêm trực, trưởng tua trực Khoa sơ sinh sẽ được mời sang hỗ trợ nếu có bé nào có vấn đề về sức khỏe cần xử lý” - điều dưỡng Hồng chia sẻ.

Theo điều dưỡng Hồng, trong quá trình chăm sóc bé, việc giao tiếp với các bé cũng giúp bé phát triển hệ thống thần kinh, ổn định sức khỏe, phát triển nhận thức tốt.

Giải pháp đầy tình thương của một bệnh viện phụ sản 

Số sản phụ nhiễm bệnh COVID-19 ngày càng nhiều khiến cơ sở của BV Hùng Vương quá tải, không thể đảm bảo chăm sóc các bé. Do đó, BV Hùng Vương đã phối hợp với Trường Mầm non Họa Mi 2, UBND quận 5 và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP lập Trung tâm Hope đặt tại trường mầm non, kế bên BV để đưa các bé qua chăm sóc. 

Mong con và thành phố bình an

Nguyễn Ngọc Bình An là cái tên mà chị Trịnh Vương Hồng Nhung (ở quận 8, TP.HCM) đặt cho con mình sau khi đón bé ở Trung tâm Hope về từ ngày 30-8. Chị Nhung chia sẻ: “Thời buổi dịch quá, gia đình mình không cầu mong gì hơn, chỉ cầu mong con và TP bình an”. Chị Nhung chia sẻ khi mang thai 36 tuần ba ngày thì phát hiện mắc bệnh COVID-19, do có các dấu hiệu ngứa họng, sốt, ho, khó thở nhẹ sau một lần đi công chuyện bên ngoài về. Cả chồng và con đầu tám tuổi của chị cũng mắc bệnh. Chị được đưa vào BV Hùng Vương theo dõi và sinh em bé vào ngày 18-8. Sau khi sinh, bé được cho xét nghiệm âm tính và được chuyển về Trung tâm Hope. Chị Nhung sau đó cũng được xuất viện vào ngày 23-8 và cách ly tại BV dã chiến ở TP Thủ Đức đến ngày 29-8.

“Mười mấy ngày không được gặp con, mình lo là không biết con có bú được nhiều không, có ngủ được không nhưng mình có cập nhật tin tức BV khánh thành trung tâm chăm sóc cho các bé và BV nhắn tin bé bú tốt, tình trạng sức khỏe tốt nên mình cũng bớt lo lắng” - chị Nhung kể lại.

Ngày đón con về, chị cũng bất ngờ và vui mừng khi bé lớn và khỏe mạnh. “Nhìn bé khỏe và khác, mình biết mấy cô chăm sóc bé cũng kỹ lắm, thật sự là biết ơn BV và các cô TNV” - chị Nhung bày tỏ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm