Chuyển đổi số nếu không làm tốt sẽ là gánh nặng

(PLO)- Nếu xử lý văn bản điện tử song song với văn bản giấy sẽ làm cho khối lượng công việc tăng gấp đôi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trên toàn tỉnh Quảng Nam.

“Năm 2021, theo Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Quảng Nam xếp vị thứ 25/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3 khu vực miền Trung. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của tỉnh về chuyển đổi số trong thời gian qua”, ông Bửu phát biểu.

Nói về chuyển đổi số, TS Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, hiện chúng ta đang trải qua ba giai đoạn chuyển đổi số là: số hoá thông tin, số hoá quy trình, số hoá tổ chức.

Theo TS Phúc, chuyển đổi số sẽ giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống như: y tế, giáo dục, logistic, quản lý giao thông, phát triển du lịch, kinh doanh.

Còn với chính quyền số, chuyển đổi số sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, dịch vụ công mới. Nhờ chuyển đổi số, chính quyền có thể đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tốt hơn.

Quang cảnh Hội thảo Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam.

Quang cảnh Hội thảo Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam.

TS Phúc cho rằng, điều được nhiều người quan tâm là chuyển đổi số làm giảm nhũng nhiễu, tiêu cực. Khi áp dụng chuyển đổi số, từ đây mọi hoạt động chính quyền sẽ được đưa lên môi trường số để giám sát trực tuyến, toàn diện; cảnh báo, phát hiện sớm bằng trí tuệ nhân tạo.

Về khó khăn, thách thức, TS Phúc nhận định, chuyển đổi số làm thay đổi cơ cấu việc làm. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại châu Á Thái Bình Dương, đến năm 2025, 85% việc làm sẽ bị thay đổi. Trong đó, có 32% lao động cần phải đào tạo hoặc đào tạo nâng cấp theo hướng có kỹ năng số; 26% sẽ phải chuyển sang việc khác.

TS Phúc nhấn mạnh, chuyển đổi số nếu không làm tốt sẽ là gánh nặng. Một ví dụ điển hình là nếu xử lý văn bản điện tử song song với văn bản giấy sẽ làm cho khối lượng công việc tăng gấp đôi.

Chuyển đổi số thất bại nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của ba “người” gồm: người đặt ra bài toán (lãnh đạo), người phát triển giải pháp chuyển đổi số và người sử dụng để thực hiện chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số sẽ không thành công nếu người đứng đầu không nhận trách nhiệm. Khi chuyển đổi số, chúng ta sẽ thay đổi quy trình hiện nay, sẽ gặp rất nhiều rào cản, chỉ có người đứng đầu mới có đủ thẩm quyền để phá vỡ những rào cản này. Vì vậy, người đứng đầu phải nhận trách nhiệm chuyển đổi số mới thành công”, TS Phúc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm