Chuyển đổi số trong báo chí và vấn nạn ăn cắp chất xám

(PLO)- Hành vi sao chép, "xào nấu" thông tin trắng trợn, bất chấp của những trang mạng, các hội nhóm mạng xã hội đã dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng, bất công trong sản xuất thông tin của các cơ quan báo chí trước và sau khi chuyển đổi số. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-6, Sở KHCN TP.HCM phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 6 với chủ đề Nghiên cứu các giải pháp chuyển đối số phục vụ ngành Báo chí.

Trong thời đại hiện nay, khi mọi hoạt động đều cần tối ưu hiệu suất, nâng cao chất lượng thì việc ứng dụng chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu ở hầu hết mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, trong đó có hoạt động báo chí.

Cạnh tranh không công bằng với mạng xã hội

Để dần thích nghi với bối cảnh mới, thời gian qua, các cơ quan báo chí trên cả nước đã từng bước thực hiện chuyển đối số bằng cách ứng dụng các giải pháp công nghệ, nâng cao hiệu suất như ứng dụng sớm phần mềm CMS trong việc xử lý tin bài của báo Sài Gòn Giải Phóng, thành lập Trung tâm Phát triển nội dung số của báo Tuổi Trẻ, báo Pháp luật TP.HCM khai thác 2 kênh mạng xã hội Youtube với chuyên mục “Nóng hôm nay” và “Điều tra”...

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng các cơ quan báo chí vẫn gặp không ít khó khăn trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, trong đó nổi bật là vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí.

Theo ThS. Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, một trong những khó khăn lớn nhất của các cơ quan báo chí khi ứng dụng chuyển đổi số là việc bản quyền tác phẩm báo chí chưa thực sự được đảm bảo, điều đó dẫn đến sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa báo chí với mạng xã hội.

chuyen-doi-so-1.jpg
ThS. Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu tại sự kiện. Ảnh: HT

Cùng quan điểm, ThS. Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cho rằng trước và sau khi chuyển đổi số các cơ quan báo chí hiện đang đối mặt với vấn nạn ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục trong nhiều năm và vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn.

"Nhiều tác phẩm báo chí được biên soạn công phu, tòa soạn phải đầu tư nhân lực, tài lực, thời gian, thậm chí phải đánh đổi bằng sức khỏe và sinh mạng của người làm báo thì mới có được sản phẩm tin bài phục vụ độc giả. Nhưng chỉ vài phút sau khi đăng/phát thì đã bị nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên Facebook và YouTube sao chép, đăng trọn vẹn mà không hề xin phép, cũng không dẫn nguồn, hoặc “xào nấu” lại để đăng/ phát theo ý đồ riêng" - ông Khanh nói.

chuyển đổi số
ThS. Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM nêu quan điểm tại sự kiện. Ảnh: HT

Đáng chú ý, các bản tin sao chép, "xào nấu" này lại có lượt tương tác cao, vượt xa so với các bản tin chính thống. Những cá nhân thực hiện hành vi này lại không phải bỏ công sức lao động mà vẫn nhận được tiền từ quảng cáo hay phí từ các nguồn khác, tạo bất công với những nhà báo, phóng viên lao động chân chính.

Phải thêm cơ chế ngăn chặn hành vi "cắp" chất xám

ThS. Nguyễn Văn Khanh cho biết theo báo cáo của SimilarWeb, trong 6 tháng (tính từ tháng 4 đến hết tháng 9/2021), lượng truy cập (traffic) của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%.

Thống kê từ các cơ quan chuyên môn thì hiện nay 85% thị phần quảng cáo của cả nước là thuộc về các nền tảng mạng xã hội, chỉ có 15% là quảng cáo trên báo chí.

toan-canh-buoi-trao-doi-ve-chuyen-doi-so.jpg
Toàn cảnh sự kiện chiều 25-6. Ảnh: HT

ThS. Nguyễn Văn Khanh đã chỉ ra một số biện pháp ngăn chặn tình trạng "chảy máu" nguồn lực như hiện nay đó là việc tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ cùng các Sở TT&TT kiểm tra những dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí; xử phạt nghiêm minh những tổ chức, cá nhân ăn cắp bản quyền, cụ thể là khai thác trái phép nội dung từ các báo để kiếm lợi ích riêng trên công sức của các cơ quan báo chí.

Ông Khanh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của Trung ương cần tăng cường đàm phán với các doanh nghiệp, tổ chức nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu Google, Facebook, Youtube... phải có cơ chế chia sẻ lợi nhuận với các cơ quan báo chí mà những nền tảng này thường xuyên khai thác nội dung để phục vụ người dùng của mình, cần phải “luật hóa” các quan hệ này bằng quy định pháp lý cụ thể.

Chuyển đổi số là xu thể tất yếu để các cơ quan báo chí thích nghi với bối cảnh mới, tuy nhiên chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức về nguồn lực, kỹ thuật, công nghệ, cơ chế. Để không còn câu chuyện "chảy máu" nguồn lực, tiếp diễn nạn "ăn cắp" chất xám thì việc bổ sung, hoàn thiện sớm các quy định là hết sức cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm