Chiều 30-5, Hội liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc tổ chức buổi Đối thoại chính sách cộng đồng về di cư lao động an toàn cho khoảng 250 người là sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, cán bộ hội phụ nữ quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).
|
Ông Nguyễn Như Tuấn – Chuyên gia về Di cư lao động cung cấp nhiều thông tin tại buổi đối thoại. Ảnh: NHẪN NAM |
Tại đây, ông Nguyễn Như Tuấn – Chuyên gia về Di cư lao động đã thông tin về bức tranh tình hình người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài và các quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, hiện có khoảng 600.000 lao động người Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số kiều hối hàng năm chuyển về trong nước từ 5-7 tỉ USD. Công việc người lao động Việt Nam làm ở nước ngoài rất đa dạng, cơ bản sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc, y tế)…
Có bốn thị trường truyền thống xuất khẩu lao động là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia. Trong đó, tại Nhật có khoảng 250.000 lao động đang làm việc, Đài Loan là 230.000 lao động, Hàn Quốc gần 50.000 và Malaysia khoảng 10.000
Năm 2015-2019, trước khi có dịch COVID-19, mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 lao động xuất khẩu nước ngoài, năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 10.000. Điều đó cho thấy nhu cầu đi làm việc nước ngoài rất thực tế.
Năm 2022, sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 số người đi lao động nước ngoài tăng trở lại, tương đương thời điểm trước khi có dịch COVID-19.
|
Rất đông cán bộ hội phụ nữ và sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ tham gia buổi đối thoại. Ảnh: NHẪN NAM |
Ông Tuấn cho rằng, theo đánh giá, trong thời gian tới, Nhật Bản, Đài Loan vẫn là thị trường mà đại bộ phận lao động Việt Nam đi xuất khẩu hướng tới.
Cạnh đó, ông Tuấn cũng thông tin về Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực năm 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Đồng thời ông cũng cung cấp các thông tin về nhu cầu các thị trường truyền thống của lao động Việt Nam.
Từ đó, vị chuyên gia chia sẻ, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài phải tìm hiểu kỹ thông tin, phải biết sàng lọc thông tin, nghi ngờ thông tin đối tượng đưa ra như “việc nhẹ lương cao”…
“Không có một thị trường chính thống nào không đòi hỏi lao động về ngoại ngữ và tay nghề. Ví dụ đi Nhật phải học tối thiểu 6 tháng. Không có chuyện “việc nhẹ lương cao”, chi phí thấp, đi nhanh, không phải đào tạo tay nghề… Đây là câu cửa miệng của những tổ chức lừa đảo” – ông Tuấn cảnh báo.
|
Chuyên gia về di cư lao động cảnh báo các chiêu lừa xuất khẩu lao động. Ảnh: NHẪN NAM |
Cạnh đó, với các tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài, ông khuyến cáo người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động phải tìm hiểu xem doanh nghiệp đó có được cấp giấy phép đưa lao động đi nước ngoài hay không bằng cách yêu cầu doanh nghiệp đưa các giấy tờ kiểm tra. Cùng với các khoản thu phí phải minh bạch rõ ràng, đóng dấu công ty chứ không thể là giấy viết tay hay biên nhận…
|
Tổ tư vấn trả lời các thắc mắc liên quan xuất khẩu lao động tại buổi đối thoại. Ảnh: NHẪN NAM |
Bên cạnh đó, người tham gia đối thoại còn được tham gia trò chơi tìm hiểu kỹ hơn về các quy định liên quan xuất khẩu lao động; được đặt câu hỏi với tổ tư vấn về các vấn đề bản thân có thắc mắc liên quan xuất khẩu lao động như: tư vấn về vay vốn đi nước ngoài thì vay ngân hàng nào, đi lao động ở nước ngoài mà bị bạo hành thì liên hệ cơ quan nào để được bảo vệ, chính sách hỗ trợ đi lao động nước ngoài…