Chuyên gia chỉ ra hạn chế của tên lửa 'bất khả chiến bại' Zircon

(PLO)- Chuyên gia nhận định tên lửa siêu thanh Zircon của Nga là vũ khí mạnh mẽ nhưng cũng có những hạn chế lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tên lửa siêu thanh Zircon của Nga có thể làm được hai việc, thứ nhất đó là bay với vận tốc 11.000 km/giờ - điều khiến tên lửa rất khó bị bắn hạ, thứ hai đó là bắn trúng một con tàu đang di chuyển. Tuy nhiên, tên lửa Zircon lại không thể làm hai việc trên cùng một lúc.

Vũ khí mạnh mẽ nhưng có những hạn chế lớn

Theo trang Business Insider, đây là kết luận của ông Sidharth Kaushal, chuyên gia người Anh về chiến tranh hải quân thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI). Ông Kaushal đánh giá tên lửa siêu thanh Zircon là vũ khí mạnh mẽ nhưng có những hạn chế lớn.

Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov của Nga phóng tên lửa siêu thanh Zircon tại biển Barents hồi tháng 5-2022. Ảnh: Russian Defense Ministry Press Service/AP

Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov của Nga phóng tên lửa siêu thanh Zircon tại biển Barents hồi tháng 5-2022. Ảnh: Russian Defense Ministry Press Service/AP

“Việc triển khai hoạt động của tên lửa Zircon là bước phát triển quan trọng, nhưng không nên phóng đại tầm quan trọng của nó” – ông Kaushal nhận xét.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ca ngợi các vũ khí siêu thanh của Nga là “bất khả chiến bại”. Các quan chức Nga tuyên bố tên lửa 3M22 Zircon có thể bay với tốc độ Mach 9 (11.000 km/giờ) – tốc độ quá nhanh so với các hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến thuật hiện nay.

Tuy nhiên, ông Kashaul lưu ý những tuyên bố từ Nga cũng không thể thay đổi các định luật vật lý. Vấn đề ở đây là vật thể di chuyển ở tốc độ siêu thanh, từ Mach 5 (6.000 km/giờ) trở lên – làm ion hóa không khí xung quanh, tạo ra lớp plasma bao quanh vật thể và lớp vỏ này có thể chặn tín hiệu radar.

Radar là thiết bị đảm bảo tên lửa sẽ được dẫn đường để đánh trúng mục tiêu. Một khi tên lửa đến gần mục tiêu được chỉ định, một radar tìm kiếm chủ động ở mũi sẽ bật, quét khu vực và khóa mục tiêu.

Chuyên gia Kaushal cho hay: “Vì lớp plasma của tên lửa ngăn cản việc sử dụng radar chủ động và các cảm biến khác trên tên lửa để theo dõi tàu mục tiêu ở giai đoạn cuối, nên tên lửa có khả năng phải giảm tốc độ gần bằng tốc độ siêu thanh để theo dõi các mục tiêu di động”.

Khi nhắm vào các mục tiêu cố định như tòa nhà trên mặt đất, Zircon không cần phải giảm tốc độ, nhưng khi tấn công tàu chiến, tên lửa sẽ phải giảm tốc độ để có thể sử dụng radar của nó. Nếu đúng như vậy thì khi đến gần mục tiêu, Zircon sẽ không di chuyển nhanh hơn các tên lửa diệt hạm trước đây của Nga như P-800 Oniks (tên lửa di chuyển với tốc độ Mach 2,5 – tức 3.000 km/giờ).

Các tên lửa siêu thanh có thể bị hệ thống phòng thủ trên tàu chiến bắn rơi, chẳng hạn như hệ thống SeaRAM của Hải quân Mỹ.

Không nên đánh giá thấp tên lửa Zircon

Không giống như các tên lửa chống hạm siêu thanh có thể lướt ngay trên mặt nước để tránh bị radar phát hiện, Zircon sẽ phải duy trì ở độ cao khoảng 19 km cho tới khi nó tiếp cận tương đối gần mục tiêu. Bay cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ khiến tên lửa Zircon dễ bị radar phát hiện hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi một cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen hồi tháng 1-2020. Ảnh: Alexei Druzhinin/ Sputnik/ Kremlin Pool Photo/ AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi một cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen hồi tháng 1-2020. Ảnh: Alexei Druzhinin/ Sputnik/ Kremlin Pool Photo/ AP

Dù thế, ông Kaushal cho rằng không nên đánh giá thấp tên lửa Zircon. Ví dụ, một tàu khu trục có thể không phát hiện ra tên lửa cho tới khi tên lửa bay trong phạm vi khoảng 24 km.

“Từ thời điểm này, giả sử tên lửa Zircon bay ở vận tốc Mach 5-6, con tàu sẽ có 15 giây để phản ứng” – chuyên gia Kaushal chỉ ra.

Tên lửa siêu thanh Zircon sẽ cung cấp cho nhiều tàu chiến Nga khả năng tấn công siêu vượt âm. Vũ khí này dài khoảng 8 m-10 m, tức là không quá lớn nên có thể được tích hợp vào các tàu chiến cỡ nhỏ như tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm như tàu lớp Yasen. Đây là điều khiến giới chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm