Theo trang Military.com, siêu vũ khí của Nga đang gây lo ngại vì các hệ thống cảnh báo sớm truyền thống của Mỹ có thể không thể phát hiện những vũ khí này đang lao tới.
Tên lửa Zircon bay quá nhanh, hệ thống phòng không Mỹ không kịp phản ứng
Những vũ khí siêu thanh như tên lửa hành trình 3M22 Zircon của Nga bay quá nhanh và thấp, với vận tốc tới Mach 6 (7.350 km/giờ). Đáng chú ý là những tên lửa này có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa truyền thống.
Tên lửa Zircon của Nga được phóng từ tàu chiến hồi tháng 7 và phóng từ tàu ngầm hồi tháng tháng 10. Ảnh: EPA
Tên lửa Zircon bay bằng loại nhiên liệu tiên tiến mà người Nga tuyên bố giúp tên lửa đạt tầm bắn lên tới 1.000 km. Tên lửa Zircon bay nhanh đến mức áp suất không khí phía trước nó hình thành một đám mây plasma khi tên lửa di chuyển, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến nó thực tế vô hình trước hệ thống radar đang hoạt động.
Hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis của Mỹ cần thời gian phản ứng 8-10 giây để đánh chặn cuộc tấn công sắp tới. Trong 8-10 giây này, tên lửa Zircon của Nga đã bay được 20 km, và tên lửa Aegis thì không bay đủ nhanh để đuổi kịp Zircon.
Theo tạp chí Popular Mechanics, ngay cả khi một tàu chiến Mỹ sắp phát hiện tên lửa Zircon cách xa 160 km thì tàu Mỹ cũng chỉ có thời gian là một phút để làm điều gì đó với tên lửa Nga.
Để đánh chặn một tên lửa Zircon của Nga, Mỹ hoặc sẽ cần đánh chặn nó ngay từ khi nó được phóng hoặc cho triển khai một vật thể vào đường bay của Zircon.
Theo Military.com, việc Nga chuyển sang sử dụng vũ khí siêu thanh có thể là một biện pháp nhằm cạnh tranh với ưu thế vượt trội của Mỹ về kích thước, công nghệ và số lượng lớn hàng không mẫu hạm. Hải quân Mỹ dự định duy trì một lực lượng gồm 12 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ngược lại, Nga chỉ có một tàu sân bay và nước này thường triển khai cùng với một tàu lai dắt phòng trường hợp động cơ bị hỏng.
Trong khi trên biển, bất kỳ tàu nào trong số 15 tàu hộ vệ lớp Buyan của Nga đều có thể mang tới 25 tên lửa siêu thanh Zircon. Sẽ chỉ cần chưa tới 6 tên lửa Zircon là đủ để đánh chìm thậm chí là tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ, như tàu USS Gerald R. Ford chẳng hạn.
Một số ý kiến cho rằng những đổi mới như tên lửa Zircon đang đưa sự phát triển của công nghệ quân sự ra khỏi những hệ thống dựa trên tàu sân bay, kêu gọi Hải quân Mỹ xem xét lại toàn bộ vai trò của tàu sân bay.
Nga bắt đầu dành thời gian phát triển tên lửa Zircon vào đầu những năm 2010 và đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm trong năm năm qua.
Gần đây nhất, hôm 4-10, Nga thông báo nước này lần đầu tiên phóng tên lửa Zircon từ tàu ngầm hạt nhân.
Tàu ngầm Severodvinsk của Nga. Ảnh: Ministry of Defence of the Russian Federation
Theo kênh France 24,ông Alexandre Vautravers, chuyên gia quốc phòng và an ninh và là tổng biên tập của ấn phẩm chuyên ngành Revue Militaire Suisse, nhận định vụ phóng hôm 4-10 đánh dấu một bước đột phá đáng kể.
Loại vũ khí này thường được mang trên các tàu có khả năng tàng hình tốt nhất có thể và trong trường hợp của Nga thì đó là tàu ngầm, vì nước này không có đủ công nghệ cho máy bay ném bom tàng hình tầm xa có khả năng tránh được hệ thống radar của Mỹ, ông Vautravers chỉ ra.
Nếu Nga tham gia cuộc đối đầu quân sự chống lại các lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tàu ngầm là phần duy nhất của Hải quân Nga sẽ có cơ hội sống sót trước sức mạnh quân sự của Mỹ và NATO, theo ông Gustav Gressel, chuyên gia về vấn đề quân sự Nga tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu.
Ông Gressel tiếp tục rằng Nga đã phát triển một cảm giác hoang tưởng thực sự về Mỹ và điều đó thúc giục Nga luôn nghĩ về những gì sẽ xảy ra trong trường hợp nổ ra xung đột.
Lựa chọn nào cho Mỹ?
Các loại vũ khí như tên lửa siêu thanh là mối lợi đặc biệt cho Nga ngay lúc này vì các nước phương Tây đã thiếu sự đầu tư vào tên lửa chiến lược.
Nỗ lực phóng tên lửa siêu thanh từ máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Mỹ hồi tháng 4 thất bại. Ảnh: CNN
Ông Vautravers lưu ý: “Châu Âu và Mỹ liên tục trì hoãn việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí chiến lược của họ trong những năm gần đây và công nghệ của họ đôi khi có từ những năm 1990”.
Xét về khía cạnh này, có vẻ như Nga đã đi trước trong cuộc đua vũ trang này nhờ việc phóng tên lửa siêu thanh – điều một số nhà phân tích xem là vũ khí tương lai – từ tàu ngầm hạt nhân.
“Nga là đất nước duy nhất đã chứng tỏ khả năng sử dụng những vũ khí này hiệu quả. Mỹ cũng đã tiến hành thử nghiệm nhưng là từ bệ phóng được thiết kế đặc biệt cho loại tên lửa này (thay vì từ một tàu như tàu ngầm)” – ông Gressel nói.
Tuy vậy, ông Gressel tiếp tục, không nên đánh giá quá cao khả năng của Nga.
“Phải vượt qua hai trở ngại chính để có thể vận hành tên lửa siêu thanh, đó là phải làm cho chúng bay mà không bị phát nổ, và phải cho thấy bạn có thể điều khiển chúng từ một khoảng cách để chúng bắn trúng mục tiêu đang di chuyển. Người Nga đã cho thấy tên lửa của họ có thể bay nhưng không có bằng chứng cho thấy họ có thể điều chỉnh quỹ đạo của những tên lửa này giữa hành trình bay” – ông Gressel nói.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ. Ảnh: . US Navy Photo/ USNI News
Mỹ vẫn chưa hoàn toàn có một lý do rõ ràng để lo ngại. Nhưng nếu Nga đã chứng minh được khả năng làm chủ hoàn toàn công nghệ này thì điều đó có thể thay đổi cuộc chơi.
Trong trường hợp Nga chứng tỏ khả năng làm chủ công nghệ tên lửa siêu thanh, ông Vautravers nói, Mỹ sẽ phải lựa chọn hoặc tập trung vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa hoặc đưa tên lửa siêu thanh trở thành ưu tiên mới. Nếu Mỹ theo đuổi lộ trình như vậy, điều đó sẽ “khởi động lại một cuộc đua vũ trang ở cấp độ toàn cầu”, ông Vautravers kết luận.
Một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga hôm 30-10 tiết lộ với hãng tin TASS rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zircon từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov ở cấp nhà nước dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng tới. “Các cuộc thử nghiệm tên lửa Zircon cấp nhà nước sẽ bắt đầu vào tháng 11 và sẽ kéo dài tới tháng 12-2021. Tổng cộng năm đợt phóng thử tên lửa đã được lên kế hoạch và chúng sẽ nhằm vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền” – nguồn tin tiết lộ. Hôm 28-10, văn phòng báo chí Hạm đội phương Bắc thông báo tàu Đô đốc Gorshkov đã tấn công các mục tiêu trên không và trên biển bằng tên lửa trong cuộc tập trận tại Biển Barents. Tên lửa siêu thanh đa nhiệm Zircon được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên biển và trên bộ. Nga dự định trang bị hệ thống tên lửa siêu thanh Zircon cho tàu ngầm và tàu mặt nước. |