Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Lầu Năm Góc cho biết lực lượng Hải quân và Lục quân Mỹ đã thực hiện thành công ba cuộc thử nghiệm các nguyên mẫu thành phần vũ khí siêu thanh vào ngày 20-10.
Theo đó, các thành phần này sẽ được tích hợp vào một hệ thống tên lửa siêu thanh của Mỹ, vốn sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2022.
Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia đã tiến hành các cuộc thử nghiệm nói trên tại cơ sở bay Wallops của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ở bang Virginia.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các cuộc thử nghiệm nhằm mục đích “thông báo sự phát triển của chương trình Đột kích Nhanh Thông thường của Hải quân (CPS) và chương trình Vũ khí Siêu thanh Tầm xa (LRHW) của Lục quân”.
Cả Lục quân và Hải quân Mỹ đều hy vọng sẽ nhanh chóng hoàn thiện hệ thống tên lửa siêu thanh này và cho tiến hành phóng thử vào một thời điểm nào đó trong 12 tháng tới, Reuters đưa tin.
Hình ảnh minh họa tên lửa siêu thanh của một nghệ sĩ người Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ba cuộc thử nghiệm trên diễn ra cùng ngày với những chia sẻ của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông thừa nhận mối lo ngại của mình với hệ thống vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 17-10, tờ Financial Times dẫn các nguồn tin thân cận cho hay Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào tháng 8 khiến tình báo Mỹ mất cảnh giác.
Theo thông tin của Financial Times, quân đội Trung Quốc đã phóng một tên lửa siêu thanh bay qua quỹ đạo thấp trước khi lao xuống mục tiêu. Tuy nhiên tên lửa đã chệch mục tiêu khoảng 39 km.
Chính quyền Bắc Kinh sau đó bác bỏ thông tin trên và khẳng định đó chỉ là một "cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường”.
Trong khi Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc của Mỹ, chính quyền Nga đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa siêu thanh Tsirkon của mình vào đầu tháng này.
Hôm 21-10, Moscow cũng xác nhận một vụ thử thành công khác đối với tên lửa có khả năng mang đầu đạn siêu thanh, theo Reuters.