Vụ TQ thử tên lửa siêu thanh: Bắc Kinh bác bỏ, Mỹ nói quan ngại sâu sắc

Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc ngày 18-10 đã bác bỏ thông tin rằng nước này gần đây đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Bắc Kinh nói rằng họ chỉ thực hiện các chuyến bay thử nghiệm thường lệ trong nỗ lực tái chế tàu vũ trụ để giảm chi phí thăm dò.

Trung Quốc bác tin thử tên lửa siêu thanh 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 18-10 cho biết: “Đây là một cuộc thử nghiệm định kỳ đối với một phương tiện vũ trụ để xác minh công nghệ về khả năng tái sử dụng của chúng”.

Trung Quốc bác tin thử tên lửa siêu thanh. Ảnh: HỌC VIỆN HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ TRUNG QUỐC

South China Morning Post dẫn lời ông Triệu nhấn mạnh rằng vật thể được phóng “không phải là tên lửa” với mục đích quân sự, mà là “phương tiện vũ trụ” dành cho mục đích dân sự.

Theo ông, thử nghiệm này là cần thiết để giảm chi phí sử dụng tàu vũ trụ, từ đó sẽ mang lại một cách thức thuận tiện và hợp lý cho thế giới trong việc sử dụng không gian cho các mục đích hòa bình.

Phát ngôn của ông Triệu được đưa ra sau khi tờ Financial Times (FT) dẫn nguồn tin nói rằng Trung Quốc hồi tháng 8 đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay vòng quanh trái đất ở quỹ đạo thấp trước khi lao xuống mục tiêu.

Báo cáo cho biết thêm rằng cuộc thử nghiệm cho thấy Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc về vũ khí siêu thanh và khả năng không gian của nước này đã vượt xa dự báo của tình báo Mỹ, tuy tên lửa thử nghiệm đã rơi chệch mục tiêu gần 40 km.

Tuy nhiên, theo hãng Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cuộc thử nghiệm “phương tiện vũ trụ” trên đã diễn ra vào tháng 7 chứ không phải vào tháng 8 như trong báo cáo của FT.

Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc

Cùng ngày, liên quan thông tin vụ thử nghiệm trên, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 18-10 cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đang đi chệch hướng khỏi chiến lược răn đe hạt nhân tối thiểu của mình, South China Morning Post đưa tin.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc mở rộng nhanh chóng năng lực hạt nhân của Trung Quốc, gồm cả việc phát triển các hệ thống phân phối mới” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.

Tên lửa Trường Chinh-2F Y13 của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Ông Price cũng trích dẫn số liệu mà Mỹ ghi nhận được cho thấy Trung Quốc trong chín tháng tính đến tháng 9 đã tiến hành "ít nhất" 250 vụ phóng tên lửa đạn đạo.

“Những diễn biến này nhấn mạnh một điều rằng Trung Quốc, như chúng tôi đã nói trước đây, đang đi chệch hướng khỏi chiến lược hạt nhân dựa trên sự răn đe tối thiểu vốn đã kéo dài hàng thập niên” – ông Price nói.

“Điều này đặc biệt liên quan … do Trung Quốc thiếu minh bạch về thế trận hạt nhân đang phát triển của mình” – ông Price nói thêm.

“Chúng tôi đã liên hệ với Trung Quốc. Chúng tôi đã thể hiện rất rõ mối quan tâm của mình trong việc tham gia với Trung Quốc với tư cách là các quốc gia có trách nhiệm liên quan việc phát triển những vũ khí mạnh mẽ này” – ông Price nhấn mạnh.

“Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các năng lực để phòng thủ và ngăn chặn trước một loạt mối đe dọa từ Trung Quốc: mối đe dọa đối với Mỹ, mối đe dọa đối với các đồng minh, mối đe dọa đối với các đối tác của chúng tôi” - ông Price nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ những lo ngại của mình về năng lực quân sự mà Trung Quốc tiếp tục theo đuổi, những năng lực chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và hơn thế nữa. Đó là một lý do vì sao chúng tôi coi Trung Quốc là thách thức số một”.

FT dẫn nguồn tin lưu ý rằng về lý thuyết, tên lửa siêu thanh có thể bay qua Nam Cực. Điều này sẽ đặt ra thách thức lớn đối với quân đội Mỹ, vì các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đều tập trung vào tuyến đường cực bắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm