Mẹ tham khảo lời khuyên của chuyên gia để nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện.
Không chỉ để bé tham gia những hoạt động, trò chơi kích thích phát triển trí não, mẹ còn tranh thủ mang những thắc mắc của mình hỏi các chuyên gia tâm lý, nhi khoa, dinh dưỡng tại sự kiện. Dưới đây là những băn khoăn thường gặp nhất của các mẹ trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Làm gì khi bé quá tò mò, ham vận động?
Con trai tôi rất tò mò và hầu như không chịu ở yên một chỗ. Bé chạy nhảy khắp nơi, nhìn ngắm, chỉ trỏ, hỏi han không biết mệt. Tôi đã đưa cháu đi khám và bác sĩ kết luận cháu hoàn toàn không mắc chứng “tăng động”. Vậy tôi cần làm cách nào để “kiềm chế” con mà không gây ảnh hưởng tâm lý bé?
Chuyên gia trả lời:
Nhu cầu vận động của trẻ dưới 6 tuổi là rất lớn. Bé sẽ chơi đùa, chạy nhảy, hỏi han “không biết mệt” suốt cả ngày. Tất cả những điều này là bình thường và phù hợp với sự phát triển của trẻ, nhất là khi đã được loại trừ yếu tố bệnh lý như hội chứng “tăng động”.
Do đó, mẹ nên tạo một môi trường để thực hiện “nhu cầu vận động” của trẻ. Mẹ có thể tạo giờ chơi cố định cho con ngoài trời, đăng ký cho con học bóng rổ, bơi lội… Bố mẹ có thể tổ chức trò chơi tại nhà cùng con, trong đó bố mẹ đóng vai người đi đường và bé đóng vai chú cảnh sát đứng yên điều khiển giao thông; hoặc cho bé đóng vai đồng hồ, chỉ đứng yên và kêu “boong” sau mỗi phút. Những trò chơi này có tác dụng giúp bé tự học cách “giữ yên” trong khoảng thời gian nhất định và điều tiết lại sự hiếu động của mình.
Giúp bé ăn tốt hơn bằng cách nào?
Tôi muốn cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng thông minh để bé có thể phát triển trí não toàn diện ngay từ đầu. Nhưng bé rất biếng ăn, ở nhà cứ ngậm cơm và ăn lâu. Tôi cần làm gì để bé ăn tốt hơn?
Chuyên gia trả lời:
Dinh dưỡng toàn diện trong những năm đầu đời cho con là điều vô cùng quan trọng. Trong đó, mẹ nên chú ý các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển trí não như: DHA, i-ốt, vitamin B, choline, sắt, kẽm, phốt pho…
Để trẻ phát triển trí não toàn diện thì dinh dưỡng là chưa đủ, bé còn cần cả tương tác thông minh, như được giao tiếp, vận động, chơi các trò chơi kích thích óc quan sát, khả năng ghi nhớ. Mẹ không nên quá lo lắng chuyện bé ăn kém nếu như chiều cao, cân nặng của bé phát triển bình thường, thậm chí vượt chuẩn.
Mẹ nên duy trì cữ ăn đúng bữa, xen cữ sữa đúng giờ, tạo không khí vui tươi trong mỗi bữa ăn để bé ăn ngon miệng hơn. Khi bé khoảng 3 tuổi, mẹ nên để bé tự chọn lựa đồ ăn: “Con thích ăn thịt hay cá, tôm”, “Con thích súp rau củ hay canh bí đỏ”... Bằng cách này, bé sẽ hào hứng hơn với bữa ăn và ăn nhanh, bớt ngậm.
Các bé “chơi mà học” tại Enfa A+ Brain Expo
Mẹ cần làm gì khi con chậm nói?
Con tôi có khả năng quan sát và bắt chước rất nhanh. Tuy nhiên, tôi đang không biết làm gì bởi bé bị chậm nói, dù đã 3 tuổi nhưng vẫn không phát âm rõ và chỉ nói được rất ít từ.
Chuyên gia trả lời:
Nhiều mẹ lầm tưởng chỉ cần “tập nói” khi con đã bập bẹ những tiếng đầu tiên. Thực tế quá trình phát triển ngôn ngữ của bé diễn ra âm thầm trước đó. Bé quan sát gương mặt, động tác phát âm của mẹ, lắng nghe những từ mẹ nói và hiểu dần nghĩa của chúng, ghi nhớ và nỗ lực bắt chước mẹ để phát âm (dù không thành tiếng rõ ràng)…
Mẹ cần dành thời gian trò chuyện với con, đọc sách cho con nghe ngay từ khi con chưa biết nói. Giao tiếp là một trong 4 mặt quan trọng (cùng trí thông minh, vận động, cảm xúc) để giúp trẻ phát triển trí não toàn diện. Trẻ càng được giao tiếp nhiều, càng có cơ hội tích lũy vốn từ phong phú, quan sát và bắt chước dễ dàng cách phát âm của mẹ. Từ đó, bé sẽ học nói nhanh hơn.