Để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, giao thông vận tải đã đưa ra các góp ý quan trọng.
Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:
Mục tiêu là hoàn thành, không phải khởi công sớm
Đường cao tốc Bắc - Nam mang giá trị quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia và các tỉnh, thành. Chúng ta có thể thấy rõ kinh tế nước Mỹ đã phát triển mạnh mẽ sau Thế chiến thứ 2 khi hàng loạt tuyến cao tốc liên kết các bang với nhau được hoàn thành.
Đối với nước ta, cao tốc Bắc - Nam được hoàn thành sẽ là chiến lược để phát triển kinh tế. Tôi rất vui mừng khi Chính phủ và các bộ, ngành đặt mục tiêu xây dựng cao tốc Bắc - Nam lên hàng đầu.
Song khi thực hiện dự án này cần có cơ sở khoa học, nguyên tắc, minh bạch rõ ràng và không nên ép tiến độ đối với các đơn vị. Tránh tình trạng ép tiến độ, khởi công đồng loạt nhưng không thể hoàn thành cùng lúc. Chúng ta phải đặt mục tiêu là dự án hoàn thành sớm, chứ không phải khởi công sớm, bởi khởi công sớm không có nghĩa là hoàn thành sớm.
Một đoạn công trình dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1). |
Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là phải hoàn thành bồi thường giải tỏa trước khi làm dự án. Chưa bồi thường giải tỏa thì chưa làm, chỗ nào chưa bồi thường hoặc giải tỏa khó khăn thì có thể thay đổi hướng tuyến để không bị vướng. Chúng ta cần tránh tình trạng vướng bồi thường, phải bồi thường lại cho nhà thầu vì dự án kéo dài.
Nguyên tắc thứ hai là chỉ định nhà thầu. Hợp đồng đối với nhà thầu phải chặt chẽ, tránh tình trạng qua loa để sau này phát sinh thêm nhiều phiền toái cho dự án. Chúng ta có thể chỉ định nhà thầu không được để phát sinh vốn, bởi vấn đề này sẽ trở thành gánh nặng về kinh tế.
Nguyên tắc thứ ba, việc thực hiện đường cao tốc cần có sự hợp tác đa ngành, từ bộ, ngành và các địa phương. Giữa các đối tác phải thỏa thuận, điều chỉnh lấy ý kiến để mang lại hiệu quả cao nhất cho dự án. Các đơn vị cần có sự phối hợp với nhau về yếu tố quy hoạch xây dựng, vì nếu chúng ta khéo tổ chức thì đô thị sẽ phát triển. Theo đó, Bộ GTVT và lãnh đạo các tỉnh, thành và các bộ, ngành cần có sự lắng nghe lẫn nhau để bảo đảm dự án mang lại hiệu quả kinh tế.
PGS-TS TỐNG TRẦN TÙNG, Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật - Bộ GTVT:
Không chọn nhà thầu chất lượng thấp
Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu. Cơ chế này của Chính phủ là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời để tháo gỡ khó khăn thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo đó, Bộ GTVT cần thực hiện một số nội dung trong quá trình triển khai như: Xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; đánh giá tất cả nhà thầu đang thi công xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, không lựa chọn những nhà thầu thực hiện không đáp ứng tiến độ dự án đang triển khai. Sau đó là đăng tải công khai thông tin, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Song song đó, các bên liên quan tham gia dự án cần làm tốt trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, hai chủ thể chính tham gia thực hiện dự án là Bộ GTVT và các địa phương.
Đối với Bộ GTVT, cần có sự chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, đặc biệt hồ sơ thiết kế, hạn chế tối đa những bất cập, phát sinh trong quá trình triển khai. Tiếp theo, cần lựa chọn nhà thầu thi công có năng lực, tổ chức bộ máy chuyên nghiệp, máy móc, thiết bị hiện đại để rút ngắn thời gian thực hiện. Đồng thời phải có cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án.
Đối với các địa phương, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là đường găng về mặt tiến độ. Dự án chỉ còn ba năm để hoàn thành theo kế hoạch, vì vậy các địa phương cần phải chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm công tác GPMB để có đủ thời gian triển khai thi công xây dựng cao tốc.
Đồng thời trong quá trình thi công, địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi đối với vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi), tránh việc đội giá, khan hiếm giả vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng, tiến độ thực hiện dự án.
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế, tài chính:
Yên tâm về nguồn vốn!
Cao tốc Bắc Nam là dự án được ưu tiên đầu tư, theo đó, nguồn vốn cao tốc Bắc - Nam luôn được ưu tiên nên không lo thiếu vốn hay huy động từ nguồn khác. Hiện nay ngân sách luôn có bộ phận bố trí sẵn nguồn đầu tư công và phải phân bổ nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, công tác thực thi ở phía dưới ra sao còn phụ thuộc rất nhiều vào các đơn vị. Trong đó, các bước về GPMB cũng cần phải điều chỉnh để tiệm cận với giá đất thực tế.
Một vấn đề cần giải quyết hiện nay là giá nguyên vật liệu phục vụ các dự án giao thông đang tăng cao. Theo đó, để các dự án được triển khai thuận lợi, bảo đảm thì các chi phí này phải thay đổi.
Việc thiếu nguyên vật liệu hiện chủ yếu xảy ra ở cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã yêu cầu các địa phương và những đơn vị liên quan phải xử lý, song tình trạng này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Vì vậy, nếu các đơn vị gặp khó khăn về vấn đề này, có thể phản ánh lên Chính phủ để được hỗ trợ. Bởi giá nguyên vật liệu tăng cao sẽ làm dự toán thay đổi, đơn vị quản lý buộc phải điều chỉnh dự toán.
Theo tôi, trường hợp thay đổi dự toán nằm trong giới hạn nhất định (khoảng 5%) thì cứ làm, song nếu quá 5% thì chủ đầu tư phải xin phép, điều chỉnh và hỗ trợ. Theo đó, ngay từ bây giờ các đơn vị cần lên dự toán để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp.•
Cần kết nối cao tốc với các đầu mối giao thông
Theo PGS-TS Tống Trần Tùng, đường cao tốc Bắc - Nam khi đưa vào khai thác sẽ kết nối tất cả bốn vùng kinh tế trọng điểm gồm: Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL. Từ đó, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của đất nước, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang vận tải Bắc - Nam.
Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hoàn thành sẽ giúp kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL. Đồ họa: HỒ TRANG |
Tuy vậy, cùng với việc hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, cần phải hoàn thành đồng thời việc kết nối tuyến đường này với các đầu mối giao thông quan trọng (cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, trung tâm logistics…). Đồng thời gấp rút nâng cao năng lực vận tải của đường sông, đường biển và đường sắt. Có như vậy mới cải thiện được chỉ số hạ tầng giao thông đường bộ, giảm chi phí logistics, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.